sổ tay thường dân

Tưởng Năng Tiến

Viết Báo Và Viết Láo


Ngày 11 tháng 3 năm 2001, tại Cung Văn Hóa Lao động Hữu Nghị Việt Xô, ở Hà Nội có tổ chức một buổi “Mít-tinh trọng thể kỷ niệm 50 năm báo Nhân Dân.” Tờ báo này được giới thiệu “vài nét” trên internet (www.nhandan.com) như sau:

– Tiếng nói của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

– Cơ quan Trung ương của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Mỗi ngày phát hành 180 nghìn số, báo Nhân Dân cuối tuần 110  nghìn số mỗi kỳ, báo Nhân Dân hàng tháng 130 nghìn số mỗi kỳ. Báo được in tại 7 địa điểm khác nhau: Hà Nội, Nghệ An, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Bình Ðịnh, Ðắc Lắc, TP Hồ Chí Minh.

Tờ báo tầm vóc cỡ đó mà ông Nguyễn Ngọc Lan, khi trả lời phỏng vấn của đài Radio France International , dám biểu là thiên hạ không ai thèm đọc báo Nhân Dân. Họ chỉ dùng nó vào những việc gia dụng khác:” I was reminded of the time when there was a severe shortage of paper across the country. People literally lined up daily to buy the inexpensive Nhan Dan for household uses.”(Robert Templer, Shadows And Wind, Penguin Books, New York, 1988, 165). Dùng vô chuyện gì khác thì (dù bị ra tấn) ổng cũng nhất định không chịu nói.

Dân phương Tây không mấy khi nói năng úp mở hay “bóng và gió” theo kiểu đó. Tác giả cuốn sách vừa dẫn, ông Robert Templer – sau ba năm làm đặc phái viên cho Agence France-Press tại Việt Nam, từ 1994 đến 1997 – đã thản nhiên tuyên bố :” Dân Việt mua báo Nhân Dân để dùng trong cầu tiêu, chớ còn tin tức thì họ nghe từ chương trình phát thanh tiếng Việt của đài BBC, RFI và VOA. (Vietnamese may have found Nhan Dan useful in the bathroom, but for information they turned to their radios and the Vietnamese language services of BBC, RFI and VOA).

Tôi hoàn toàn và tuyệt đối không quan tâm gì đến cái gọi là báo Nhân Dân; tuy vậy, không hiểu sao thấy ái ngại quá cỡ cho những người sử dụng và những kẻ làm ra tờ báo bất hạnh này. Về phía người tiêu thụ, tôi tin rằng những cuộc nổi dậy ở Việt Nam trong vòng mấy năm vừa qua (rất có thể) đã ờ diễn ra ở một tầm mức ít nghiêm trọng hơn – nếu số lượng giấy khổng lồ dùng in báo Nhân Dân được chế biến thành loại giấy mịn màng hơn để dùng cho việc đi cầu. Dân chúng, chắc chắn, sẽ đỡ bất mãn hơn nếu (một phần) cơ thể của họ không bị tra tấn hàng ngày bởi những tờ giấy bẩn thỉu và thô nhám như giấy báo Nhân Dân. Về phía người sản xuất, tôi cũng tin là họ sẽ cảm thấy được an ủi phần nào nếu như biết “công trình tim óc” của mình được sử dụng vào một việc khác, ngoài nhà vệ sinh.

Quan niệm trên, tất nhiên, không chắc đã được sự đồng tình của mọi người. Trong một đất nước mà dối trá đã trở thành quốc sách thì làm báo có cần gì đến tim với óc ? Cựu phó biên tập báo Nhân Dân, nhà báo Bùi Tín đã tâm sự như sau:”Có người nói đùa một cách chua cay rằng trên báo Nhân Dân chỉ có tin dự báo thời tiết là có thể tin cậy phần nào (vì vẫn có trường hợp dự báo sai), có thể tin tưởng được hoàn toàn là tin buồn, tin cáo phó.” (Bùi Tín, Hoa Xuyên Tuyết, 2d ed. Turpin Press, 1994, 42). Như thế nghề làm báo, trong trường hợp này, chỉ là “nói láo ăn tiền”. Có tốn công sức hay mệt nhọc chi đâu mà cần an ủi ?

Suy nghĩ như thế e hơi giản lược. Dối trá, trơ tráo, tôi tin rằng, không phải là một thái độ sống dễ dàng hay thoải mái gì – cho bất cứ ai? Cứ đọc thử bài phóng sự sau đây, được in trên báo Nhân Dân số ra ngày 8 tháng 3 năm 2001, mới thấy sự khổ tâm của những người làm báo Ðảng:

“Dư Luận Phê Phán Những Việc Làm Sai Trái của Ông Nguyễn Văn Lý”

Sau khi báo Nhân Dân đăng bài viết về hành vi tiếp tay cho các thế lực thù địch của linh mục Nguyễn Văn Lý (số ra ngày 6- 3), đông đảo bạn đọc cả nước đã gọi điện thoại, gửi thư hoan nghênh báo kịp thời phê phán luận điệu, hành động sai trái của linh mục Nguyễn Văn Lý, đồng thời vạch rõ bộ mặt giả nhân giả nghĩa của linh mục này.

Phóng viên báo Nhân Dân xin ghi lại một số ý kiến của đồng bào giáo dân. Nội dung như sau:

Gặp chị Bùi Thị Thìn là giáo dân trước cửa nhà thờ giáo xứ Ða Minh 190 Lê Văn Sĩ, phường I, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) tôi hỏi chị biết chuyện một linh mục tên Nguyễn Văn Lý ở Huế gửi lời chứng cho quốc hội Mỹ tiếp tay cho các hoạt động của những kẻ thù địch can thiệp vào nội bộ của nước Việt Nam ta ? Chị nói:

– Tôi có được nghe qua báo chí và giáo dân xì xào.

– Ý kiến của chị việc này thế nào ?

– Tôi chẳng hiểu thế nào mà Quốc hội Mỹ lại cứ “xía” vào việc của người khác. Còn ông linh mục Lý sao lại đi làm cái việc phản dân, phản nước như vậy ? Cứ xem ở Sàigòn này, Nhà thờ Ðức Bà ngay trước cửa Hội trường Thống Nhất có phải rào chắn gì đâu, có ai phá phách cấm đoán ai tự do tín ngưỡng gì…

Ðược hỏi về chuyện ông linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế gửi ‘lời chứng’ cho Quốc hội Mỹ, ông Mai Phúc Kiến, một giáo dân xứ Tân Việt, rất phẫn nộ cho rằng việc làm của ông Lý chẳng khác gì kẻ phản bội đất nước. “Lời chứng” của ông Lý hoàn toàn xuyên tạc, xúc phạm đất nước, xúc phạm giáo dân, vì từ khi cách mạng đến giờ ở Việt Nam chưa bao giờ có chuyện nhà nước đàn áp, cấm đoán tôn giáo.

Ông Mai Văn Hạp, Trùm phó họ đạo Mác-ti-nô, ở phường 13, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh nói:”Là một giáo dân luôn sống Phúc âm trong lòng dân tộc, luôn mong muốn góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam đoàn kết, giàu mạnh, văn minh, dân chủ, tôi cảm thấy bị xúc phạm trước những điều mà ông Lý đã lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc”

Ông Ca-nát, dân tộc Châu Mạ, ở ấp Hiệp Nghĩa (huyện Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai):” Hôm rồi, xem truyền hình, nghe đài truyền thanh tôi biết ở xã Nguyệt Bìu (thành phố Huế) có ông linh mục Nguyễn Văn Lý gửi một lá thư, gọi là “Lời chứng” , dài mấy nghìn từ cho ủy ban quốc tế tôn giáo của Quốc hội Hoa Kỳ, nói chính sách tôn giáo của Ðảng và Nhà nước ta “cực kỳ tàn bạo mang chủ đích bóp chết tôn giáo”.

Là một nông dân ở một miền núi xa xôi, chữ nghĩa không đầy lá mít, lại có ít điều kiện đi đây đi đó, cho nên cái sự hiểu biết xã hội Tây Âu tôi thua ông Lý, nhưng tại địa phương tôi, tôi khẳng định, một chục ông Lý cũng không qua tôi. Cho nên, tôi thấy những điều ông Lý nói quá xa lạ, thậm chí trái ngược hoàn toàn.

Ấp tôi có 210 hộ, 1.015 khẩu. Mỗi hộ một cách thờ, người thờ Chúa, hộ thờ Phật, thờ ông Bổn, cũng có hội chỉ thờ Bác Hồ. Nhà nước đâu có cấm đoán gì. Cả ấp còn có hai nhà thở Tin Lành và Thiên Chúa. Người theo đạo Thiên chúa vừa lễ ở nhà vừa đi lễ nhà thờ, ít nhất mỗi tuần một lần. Vào dịp lễ Giáng sinh, chính quyền địa phương cùng với các ban hành giáo tổ chức cho giáo dân đón lễ vui tươi, an toàn tiết kiệm. Riêng tôi theo đạo Tin lành, ở nhà có bàn thờ chúa ở chỗ trang trọng nhất, gắn bóng điện nhấp nháy suốt ngày đêm. Nguồn điện đó do nhà nước đầu tư, đường dây hạ thế kéo đến từng hộ cho 100% số hộ thuộc chương trình định canh định cư, bà con không phải đóng góp đồng nào.

Việc làm của Ðảng và Nhà nước thì nhiều, tôi nhớ không hết, tất cả đều nhằm mục đích cải thiện và nâng cao mức sống của bà con trong ấp, không phân biệt có đạo hay không có đạo. Hiện nay, 12 hộ xây được nhà, còn lại hầu hết là nhà lợp tôn, 34 hộ có máy thu hình, bốn hộ sắm xong máy cầy, hai hộ có máy suốt lúa, đời sống khá lên nhiều lắm..

Tôi đọc bài phóng sự của nhóm phóng viên báo Nhân Dân mà đỏ mặt và thấy nhột nhạt khắp cả người, thiếu điều còn muốn chết luôn vì ngượng. Tôi vẫn có cái tật hay ngượng thay cho người khác khi thấy họ lâm vào những hoàn cảnh lố bịch và trơ trẽn quá độ như thế. Cầm bút vốn dĩ không phải là một việc dễ dàng hay thoải mái gì; đã thế, cứ phải bịa chuyện để viết đại và viết lấy được – bằng cái thứ ngôn ngữ man trá và đểu cán như thế – khó khăn và khổ tâm lắm chứ!

Ðồng bào Thượng đâu có ai mà miệng cứ xoen xoét như là vẹt (hay vẹm) như vậy, hả Trời ? Nghe lại thử một đoạn xem :”ở nhà có bàn thờ chúa đặt ở chỗ trang trọng nhất, gắn bóng điện nhấp nháy suốt ngày đêm. Nguồn điện đó do Nhà nước huyện đầu tư, đường dây hạ thế kéo đến từng hộ cho 100% số hộ thuộc chương trình định canh định cư, bà con không phải đóng góp đồng nào.”

Ðã thế, là người dân miền núi, xuống ở đồng bằng theo “chương trình định canh định cư” mà ông Ca-nát để ý theo dõi và rành rẽ về phường ấp của mình cứ y như là công an khu vực vậy. Trong ấp có bao nhiêu hộ, bao nhiêu khẩu, nhà nào có máy thu hình, nhà nào có máy suốt lúa, nhà nào được lợp bằng tôn. .. ông ta đều biết hết trơn. Chắc chắc là trong túi của ông Ca-nát luôn luôn phải có cuốn sổ tay. Ðây là thói quen ít thấy nơi người dân sơn cước.

Qua lời ông Ca-nát tôi còn biết thêm rằng vụ cha Lý còn được mang lên cả truyền thanh và truyền hình nữa. Rõ ràng là linh mục Lý đã làm cho Ðảng và Nhà Nước rất phiền lòng. Ông bị nguyên cả hệ thống truyền thông của nước CHXHCNVN xúm lại “bề hội đồng” là phải giá.

Sự kiện một tu sĩ chiến đấu đơn độc “trong lòng cách mạng”, và đang bị nhà nước trói tay cho “nhân dân” ném đá khiến nhiều người sót ruột. Nhật báo Người Việt, số ra ngày 17 tháng 3 năm 01, đã chạy một bản tin với hơi ít khách quan và khá nhiều cảm tính – nguyên văn như sau:

“Báo Chí, Truyền Thanh, Truyền Hình Của Ðảng Tấn Công Toàn Lực Linh Mục Lý”

Tức tối trước sự can đảm của các vị tu sĩ tôn giáo thách thức nói lên sự thật về chủ trương đàn áp tự do tôn giáo của chế độ, Hà nội đã mở mặt trận báo chí rộng lớn và toàn diện chưa từng thấy để tấn công linh mục Nguyễn Văn Lý. Trên các báo Ðảng, phóng viên cộng sản nặng lời chửi bới với những tựa đề vu khống xuyên tạc như:”Lộ rõ bộ mặt kẻ phản bội dân tộc” (báo Nhân dân), “Khác nào cõng rắn cắn gà nhà”, hoặc bịa đặt như “Giáo dân Ðà Nẵng bất bình trước những việc làm sai trái của Nguyễn Văn Lý”, hoặc “Lợi dụng tôn giáo để làm điều xằng bậy” v.v. Nghĩa là không có một từ ngữ nào mà họ không dùng để thóa mạ. Nhưng độc hại hơn cả, CS đã ép buộc một số linh mục và giáo dân phát biểu rồi xuyên tạc thuật lại một cách méo mó như lời của LM Võ Văn Tân, Gò Vấp; LM Nguyễn Văn Luật, giáo xứ Hòa Bình, hoặc ông Nguyễn Văn Thiện, chủ tịch hội đồng giáo xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp v..v.. với những lời lẽ do họ bịa đặt ra (Ai mà chẳng biết trong chế độ CS, mọi người đều sợ bị trả thù đâu dám nói lên sự thật).

Dư luận trong nước đều nghĩ rằng màn tấn công hội đồng bằng báo chí của đảng báo hiệu một cuộc đàn áp thẳng tay sắp tới đối với nạn nhân là LM Nguyễn Văn Lý. Một số giới chức Việt Nam cho biết chính chiến dịch tấn công cha Lý này là một đòn phản hồi đánh ngược vào chế độ cộng sản, vì nếu để yên thì ít người biết vụ cha Lý dám đứng lên chống đối nhà nước. Ai mà chẳng biết CS đàn áp người dân suốt 25 năm nay, nhất là tôn giáo nhưng không có người nào dám lên tiếng, nay nhờ có báo đảng toàn nước biết có một linh mục can trường dám nói lên sự thật khiến cho mọi người đều hả dạ, nhưng vẫn lo âu cho số phận của cha Lý.

Theo tôi, “số phận của cha Lý” không có gì đáng lo đến thế. Dù vừa bị trói, vừa bị ném đá nhưng linh mục Nguyễn Văn Lý có hề hấn chi đâu? Ném đá nghe cũng thấy ghê thiệt nhưng ném trật lất thì kể như … huề, nếu như đừng trói người ta lại và dám đứng đối diện với họ đàng hoàng; bằng không, trước công luận, đâu có dễ huề như vậy ? Bộ tưởng linh mục Lý vẫn còn sống sau “bức màn sắt” hay sao mà có thể mang ông ấy ra “tòa án nhân dân” để “đấu tố” và “tố điêu” một cách trắng trợn như vậy, mấy cha?

Ðó là chưa kể đến chuyện nghịch lý này: giữa thời đại thông tín mà hệ thống truyền thông của Cộng Sản lại mất hết tác dụng thông tin. Sau mấy hôm sống ở Việt Nam, một nhà văn đã chán nản ghi nhận như sau :” Như tránh người ăn mày, tôi cũng dần dần làm ngơ tin tức trên đài truyền hình. Trong vài ngày đầu tiên ở Việt Nam, tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người vội tắt máy truyền hình đúng giờ có tin tức để làm những công việc khác trong giờ tin tức buổi chiều. Họ có thể ăn uống, vào nhà vệ sinh (Hoàng Mai Ðạt, Giữa Hai Miền Mưa Nắng, Văn Nghệ, 1999, 200).

Vào nhà vệ sinh thiên hạ mới cầm đến tờ báo Nhân Dân nhưng không phải để đọc mà lại để dùng vào chuyện khác. Chuyện này cũng rất cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày nên cuối cùng báo Nhân Dân cũng được biểu dương. Sáng ngày 11 tháng 3 năm 2001, tại Cung Văn hóa Lao Ðộng hữu nghị Việt-Xô, Ðảng CSVN đã công bố quyết định trao tặng báo Nhân Dân (cơ quan trung ương của Ðảng) danh hiệu Ðơn Vị Anh Hùng Lao Ðộng!

Tuy quyết định này có hơi lố bịch nhưng không phải hoàn toàn vô lý, nếu xét cho cùng. Làm báo liên tục trong năm mươi năm đòi hỏi rất nhiều can đảm và nhẫn nại, nhất là khi tờ báo chỉ được dùng vào mỗi một việc là chùi – như báo Nhân Dân!

Tưởng Năng Tiến

28/01/2010 - Posted by | Sổ tay thường dân

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này