sổ tay thường dân

Tưởng Năng Tiến

Từ Trần Quí Cáp đến Nguyễn Tấn Hoành


Từ Trần Quí Cáp đến Nguyễn Tấn Hoành

Với niềm tôn kính dạ chân thành,
Bên ngọn đèn hoa chép sử xanh.
Đất QUẢNG vươn cao xương dõng sĩ
Trời NAM nhuộm thắm máu hùng anh.
Bao phen hưng phế, bao lao lụy,
Bấy độ thăng trầm, bấy đấu tranh…

(Trần Gia Thoại)

Phan Chu Trinh, trong Trung Kỳ dân biến thủy mạt ký, cho biết Trần Quí Cáp bị bắt hôm trước, hôm sau bị đem ra xử tử. Điều này không đúng… Theo những hồ sơ lưu trữ tại Centre des archives Outre Mer (CAOM) (Trung tâm Văn Khố hải ngoại) ở Aix–en-Provence (Pháp), một quan chức Pháp tại phủ Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) đến tận nhà bắt Trần Quí Cáp ngày 16/4/1908, theo lệnh của khâm sứ Pháp tại Huế và của triều đình Việt Nam; và ngay sau đó ông bị giết ngày 15/6/1908 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Như thế, Trần Quí Cáp bị bắt giam hai tháng rồi mới bị giết (Trần Gia Phụng, Quảng Nam Trong Lịch Sử, Toronto, Non Nước, 2000, tr. 256).

Sự vội vã và tàn ác (quá mức) trong việc hành hình Trần Quí Cáp, cũng theo Trần Gia Phụng, có thể được biện giải như sau:

Về phía thực dân, sau khi những cuộc biểu tình bùng nổ ở Quảng Nam, rồi lan dần xuống Quảng Ngãi, Bình Định…, người Pháp sợ Trần Quí Cáp sẽ lãnh đạo dân chúng Khánh Hòa nổi lên gây xáo trộn. Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ là Lévecque ra tay gấp rút và độc ác vì nguyên do cuộc dân biến, phần nào, từ chính sách sưu thuế tham lam và bất công của chính y.

Về phía Việt Nam, người tham dự từ đầu đến cuối trong vụ án này, và cũng là kẻ đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy nhanh chóng bản án tử hình Trần Quí Cáp là quan bố chánh, phó đầu tỉnh Khánh Hòa, Phạm Ngọc Quát. Đương sự vốn nổi tiếng là một kẻ gian tham, và đã được công sứ Khánh Hòa mô tả là “thông minh, rất hăng hái, có thể khai thác được rất nhiều khi ông ta có liên lụy. Không có gì nghi ngờ về việc ông ta đã phục vụ cho tôi trong những tuần lễ cuối cùng của ông ta ở đây; nhưng ông ta ẵm theo nhiều tiền bạc” (Il est intelligent, tresø allant, on peut tirer beaucoup de lui quand il est compromise. Il m’a rendu services ici, ce n’est pas douteux, dans les dernières semaines de son sejour; mais, il a emporté beaucoup d’argent, … Trần Gia Phụng, sđd, tr. 271 & 272).

Chế độ thực dân và phong kiến đã chết (tốt) ở Việt Nam nhưng chuyện sưu cao thuế nặng, đời sống lầm than, cơ cực, cùng với nỗi lo sợ cường quyền áp bức thì vẫn tiếp tục sống mãi với người dân Việt. Hiện trạng này đã được một công dân trong nước diễn tả ví von và cay đắng:

“Không có tự do dân chủ thì thân phận dân tộc ta chẳng khác lũ chim cảnh được chuyển từ cái lồng sắt đen xì của chế độ thuộc địa sang cái lồng sơn son thiếp vàng lòe loẹt của chủ nghĩa xã hội. Ngạn ngữ có câu cái lồng đẹp không nuôi sống được con chim! Chẳng lẽ cả dân tộc đi xuyên suốt một chặng đường máu lửa để chỉ đổi được từ cái lồng này sang một cái lồng khác hay sao?” (Vũ Cao Quận, “Một Nền Dân Chủ Nhọc Nhằn”, Gửi Lại Trước Khi Về Cõi, Tiếng Quê Hương, Hoa Kỳ 2006, tr. 125).

Từ trong “cái lồng sơn son thiếp vàng lòe loẹt của chủ nghĩa xã hội”, vào ngày 18 tháng 2 năm 2006, người dân đã gửi ra thế giới bên ngoài một bức thư (được phổ biến lần đầu trên web site http://tiengdankeu.net) viết về “nỗi niềm khóc hận thương tâm” của giới công nhân VN, và “đề nghị 8 điểm của họ, bằng những lời lẽ đanh thép, như sau:

“Chúng tôi có quyền hội họp riêng tư, có quyền lập hội, gây quỹ, có quyền đấu tranh, có quyền đình công đòi hỏi các quyền lợi chính đáng, phù hợp mức lương, tương xứng với công sức lao động. Những đòi hỏi ước vọng này, chúng tôi được thực hiện cũng không gây ảnh hưởng kinh tế thị trường và nền an ninh, như nhà nước và bộ phận công an thường cho là thế lực thù địch gây ảnh hưởng kinh tế quốc gia …”

“Nếu chúng tôi không được thực hiện 8 điểm yêu cầu trên, chúng tôi sẽ chọn một điểm phát động đấu tranh giành quyền làm chủ các nhà máy, xí nghiệp công ty của những tay tư bản ngoại quốc, như trước đây chủ nghĩa CS đã làm. Và chúng tôi làm đúng chính sách chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam, là nơi nào có bóc lột, áp bức, nơi đó phải vùng lên đồng loạt giành quyền làm chủ; đánh đổ các tập đồn tư bản, giành quyền làm chủ cho dân nghèo.”

Sau khi bức thư này được in lại trên DCV Online, có độc giả quí danh là Cao Thông, ở Biên Hòa, đã nêu ra nhận xét:

”Có thiệt là công nhân không vậy? Hay là công nhân làm chính trị. Mấy cái đòi hỏi này so với Công Nhân bình thường thì có khác người. Với lại cách hành văn ra yêu cầu cũng cao cấp, như là nhà chính trị gia.Tôi là người bình thường còn đọc thấy văn pháp và yêu cầu có cái gì đó kỳ kỳ. Như là có soạn sẵn hay chuẩn bị trước rồi. Nhân cơ hội lương bổng này mà ăn theo chính trị.

Có 1 chỗ vô lý là yêu cầu lương như các nước giàu có Singapore, Hàn quốc, Malaysia, ngay cả kỹ sư, người có bằng Đại học mà còn chưa có lương cỡ này nữa là công nhân. Bộ tưởng VN giàu lắm sao? Nếu thích theo lương đó thì đi xuất khẩu lao động đi. Đòi hỏi phải có chừng mực thôi. Chứ nhiều quá thì ai chịu cho thấu. Bảo đảm vụ đình công này không thành gì hết”.

Quan niệm sống “chừng mực” (quá cỡ) của ông Cao Thông e khó được chia sẻ bởi những người bình thường; tuy nhiên, ông ấy hoàn toàn có lý khi “bảo đảm vụ đình công này không thành gì hết” vì tính chất chính trị rõ rệt của nó.

Từ Paris, một công dân Việt Nam khác, luật sư Trần Thanh Hiệp, cũng đưa ra một nhận định tương tự – khi được đài Á Châu Tự do (RFA) phỏng vấn về vấn đề này:

“Ở các nước dân chủ có nền kinh tế thị trường tự do, thật ra mỗi khi có đình công, chỉ cần giải quyết trên bình diện kinh tế và xã hội là đủ. Nhưng ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì đình công là một vấn đề của chính trị”

Và đây chính là điểm mấu chốt khiến cho những cuộc đình công ở VN đi vào… chỗ kẹt. Hồi đầu thế kỷ trước, vì không thể nào thay đổi được chính sách của mẫu quốc dành cho thuộc địa nên khi nông dân VN vùng lên đề đòi hỏi giảm sưu giảm thuế, thực dân Pháp đã không có lựa chọn nào khác là xử dụng bạo lực để trấn áp mà chung cuộc (và điển hình) là bản án tử hình đối với Trần Quí Cáp.

Bây giờ, những người cộng sản ở VN – bọn thực dân nội địa, (autocolonist) như tên gọi mới và chính xác dành cho họ – chắc chắn cũng sẽ hành xử y như thế. Bởi thế, chúng ta có nhiều lý do để phải quan ngại cho sự an nguy của những đại diện công nhân đã hay sẽ bị bắt giam ở VN.

Ông Nguyễn Tấn Hoành, 28 tuổi, là một trong những đại diện công nhân ở Điện Bàn, Quảng Nam (cũng là nơi sinh trưởng của Trần Quí Cáp) người đã ký tên trong bức thư “khóc hận thương tâm” thượng dẫn, khi trả lời phỏng vấn của RFA – vào ngày 23 tháng 3 năm 2006 – vẫn khẳng khái nhắc lại yêu cầu của họ là:

“… bãi bỏ công đoàn do nhà nước và đảng làm nên… Chúng tôi có quyền thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của giới công nhân chúng tôị… Chúng tôi phải được những quyền lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tay nạn lao động, bảo hiểm nghề nghiệp và lương hưu để ổn định tuổi già. Không nên xem chúng tôi là những con trâu, bị làm hết sức mình rồi đem ra làm thịt luôn”.

Sẽ không có một bản án tử hình cho Nguyễn Tấn Hoành và những đại diện công nhân đình công ở VN nhưng chuyện bắt bớ, thủ tiêu và những trò khủng bố tiểu nhân đê tiện nhất để dành cho họ thì (tất nhiên) không thiếu. Trước hiện trạng này, ngày 24 tháng 3 năm 2006, từ California, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, đã đưa ra một thông cáo báo chí, long trọng tuyên bố:

1. Ủng hộ các cuộc đình công bất bạo động của công nhân Việt Nam.

2. Hoan nghênh 22 nhà đấu tranh cho Nhân quyền và Dân chủ tại Việt Nam đã đưa ra Lời Kêu Gọi Ủng Hộ Công Nhân ngày 19/3/2006.

3. Đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam: (a) trả tự do tức thời và vô điều kiện các công nhân đã bị bắt giữ vì tham gia đình công; (b) mau chỉnh sửa đổi luật lao động cho phù hợp với tiêu chuẩn luật lao động quốc tế, nâng đỡ giới công nhân, ấn định mức lương tối thiểu cho phù hợp với hồn cảnh và thời giá sinh hoạt, công nhân phải được bảo hiểm xã hội và y tế đầy đủ, phải bảo đảm chế độ lương hưu nghĩ hợp lý; (c) tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền thành lập Công Đòan Lao Động Độc Lập để bênh vực và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân.

4. Yêu cầu tất cả các công ty tư doanh cũng như quốc doanh tôn trọng các tiêu chuẩn và luật lao động quốc tế, đối xử công bằng và tôn trọng nhân phẩm của công nhân.

5. Thỉnh cầu Tổ Chức Lao Động Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (ILO) tích cực giúp đỡ công nhân Việt Nam trong việc thành lập các Công Đòan Lao Động Độc Lập.

Mới nghe cũng có vẻ “long trọng” thiệt nhưng nghĩ kỹ thì những “đòi hỏi”, “yêu cầu”, và “thỉnh cầu” này (e) sẽ đi vào quên lãng – như hàng trăm tuyên cáo (vu vơ và mơ hồ) trước đó của tập thể người Việt hải ngoại.

Khi cả nước còn trong vòng nô lệ, hẳn là cả triệu người dân Việt đành phải cắn răn và âm thầm nhỏ lệ trước bản án tử hình mà bọn thực dân đã dành cho Trần Quí Cáp. Còn bây giờ, một trăm năm sau – vào kỷ nguyên của thông tin, lúc mà dân chủ và tự do là những nhu cầu bất khả cưỡng của thời đại – trước sự an nguy của những đại diện công nhân ở VN đang đấu tranh cho quyền sống của cả dân tộc, chả lẽ chúng ta chỉ “khởi xướng” được một cái thông cáo báo chí (suông) thế thôi sao?

Tưởng Năng Tiến

31/01/2010 - Posted by | Sổ tay thường dân

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này