sổ tay thường dân

Tưởng Năng Tiến

Giọt Nước Tràn Ly


Những trại trại cải tạo lao động, ở Việt Nam, thường không có điện.

Sinh hoạt, do đó, được phân chia rõ rệt: từ lúc mặt trời mọc cho đến khi lặn là thời gian dành cho “công tác.” Giữa khoảng thời gian đó, trại viên được “tùy nghi.”

Phải sống trong cảnh tối tăm mới thấy đêm dài, nhất là những đêm đông. Có đêm, tôi khều thằng bạn nằm bên – hỏi nhỏ:

– Theo mày thì lúc nào, hay nơi nào, được coi là hạnh phúc nhất trên đời này?

– Bắc Mỹ Thuận.

Nó đáp nhẹ nhàng, và lẹ làng, không một giây do dự. Tôi ngớ người ra một lát – và chỉ một lát thôi – rồi nhớ ngay đến sông Tiền Giang, với những đám lục bình lơ lửng trên dòng nước đẫm màu phù sa, đang cuồn cuộn trôi nhanh trong nắng chiều vàng rực, giữa bến bờ xanh um – xa ngút mắt.

Trong lúc cả đoàn xe xếp hàng dài, chờ đến lượt xuống phà, người ta tấp nập ra vào những quán ăn nằm san sát bên đường. Không khí thơm lừng mùi gà nuớng, tôm nướng, heo nướng, bò nướng, cá nướng, chuột nướng… Không gian rực rỡ màu sắc của đủ loại trái cây quen thuộc, của miền Nam: khóm, mận, ổi, nhãn, soài, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt…

Duới phà chen lẫn với hành khách là những em bé bán hàng rong: xôi vị, cốm dẹp, nước dừa, bánh tằm bì, chuối nướng, chè đậu, gỏi gà, cháo vịt, nem nướng, chả chiên, mía hấp, bì cuốn, bún mắm, chả giò, đậu phụng, cà rem, trà đá, ốc gạo hấp lá gừng, ốc leng xào dừa, chim mía rô ti…

Tôi nuốt nước miếng cùng với ý nghĩ rằng: thằng em này … đang đói, và đói lắm. Nói tình ngay, vào thời điểm đó (những năm đầu sau ngày “giải phóng,” và gần cả hai thập niên sau nữa) cả nước đều đói cả – và đói lả – chứ chả riêng gì mấy đứa chúng tôi.

Thời đó, may quá, đã qua rồi. Cái đói, cùng với miếng ăn, không còn là điều ám ảnh thường trực đối với – phần lớn – những người dân Việt.

Bắc Mỹ Thuận cũng không còn nữa. Thay vào đó là cây cầu Mỹ Thuận, tân kỳ và tráng lệ, một món quà tặng qúi báu và mắc giá của người dân Úc, đã lạnh lùng đưa những chuyến “đò ngang” đi vào… lịch sử!

Đêm khác, tôi quay qua khều một thằng bạn khác, và cũng hỏi (nhỏ) một câu tương tự:

– Theo mày thì lúc nào hay nơi nào được coi là hạnh phúc nhất trên đời này?

– Đó là lúc giữa khuya. Đang nằm ngủ bỗng ghe tiếng tiếng xe thắng gấp, tiếng súng đạn lách cách, tiếng chân người rầm rập xông vào đập cửa nhà… bên cạnh! Nằm co rúm người lại, chờ đến khi thằng cha hàng xóm bị lôi đi. Sau đó là tiếng thở phào nhẹ nhõm, không chỉ của riêng mình mà (có lẽ) của cả hàng trăm người khác nữa, đang trú ngụ trong cùng khu phố. Rồi không khí yên ắng trở lại. Cứ y như thể là chưa hề có chuyện gì (đáng tiếc) xẩy ra, cho bất cứ ai. Thiệt là hú vía!

– Đ… mẹ, sao hạnh phúc của mày nghe kỳ cục và… thất đức dữ vậy?

Tôi chửi thề theo thói quen, và lên giọng đạo đức cho nó đã miệng, chớ thiệt tình khó chối được rằng hạnh phúc (theo như cách nói của thằng này) tuy có hơi… bất nhơn nhưng thực tế, và vừa trong tầm tay của mọi công dân – tại Việt Nam.

Ở xứ sở này – hơn nửa thế kỷ qua – mấy thế hệ kế tiếp nhau, đã sống dở (và chết dở) trong cái thứ niềm vui và hạnh phúc “đơn sơ” và “giản dị” như thế. Người Việt không còn ai dám ước ao được sống an lành, hay sung sướng nữa. Tất cả chỉ cầu mong được tạm yên thân, và đỡ khổ hơn tha nhân, là đã đủ lấy làm mãn nguyện lắm rồi.

Đau khổ hay hạnh phúc, nghĩ cho cùng, vẫn thường tuỳ vào nhận thức (rất chủ quan và tương đối) của từng cá thể. Người ta có thể sống chui rúc trong một căn phòng mỗi bề 3 thước mà cả nhà vẫn thấy thoải mái và no đủ chỉ vì những người sống kề bên (cũng chừng đó nhân khẩu) nhưng chỉ đuợc phân cho có 2 mét ruỡi thôi, và tiêu chuẩn – thịt, mỡ, mắm, muối, gạo đường – của họ cũng ít hơn gia đình mình, chút xíu!

Đó là chuẩn tắc sinh hoạt, theo mô hình của một cái thang lật ngược, vào Thời Đại Hồ Chí Minh Quang Vinh.

Cái thời đại thổ tả này, may thay, cũng đã qua luôn.

Nó qua đúng vào ngày 12 tháng 5 năm 2008. Hôm đó hai công dân Việt Nam (ông Nguyễn Việt Chiến và ông Nguyễn Văn Hải) bị công an đến lục nhà, rồi mang vào trại giam.

Trong một xã hội mà bất cứ ai cũng đều có thể là một tù nhân dự khuyết thì một thường dân (khi khổng khi không) bị nhốt vô tù là chuyện bình thường – như vẫn xẩy ra hàng ngày, ở huyện – từ hơn nửa thế kỷ qua. Chỉ có điều đáng nói là diễn biến của vụ bắt bớ, vào ngày 12 tháng 5 năm 2008, đã xẩy ra (hoàn toàn) khác trước.

Khi hai ông Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị lôi ra xe – tuyệt nhiên – không có ông (hay bà) hàng xóm nào cảm thấy … hạnh phúc, chỉ vì nạn nhân không phải là chính họ. Cũng không có người bạn đồng nghiệp nào – của hai nhân vật này – đã co rúm người lại vì sợ hãi, rồi thở phào nhẹ nhõm vì thấy mình vẫn còn được yên thân. Và mọi người đã không chịu sống “yên ắng”, cứ như thể là không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, y như trước nữa.

Sự hoang mang, sợ hãi cố hữu đã – đột ngột- biến mất. Đồng loạt, người dân – thuộc nhiều thành phần khác nhau – đều công khai bầy tỏ sự bất bình và giận dữ vì sự bạo ngược của nhà đương cuộc Việt Nam.

Báo Thanh Niên, số ra ngày 14 tháng 5 năm 2008, có bài “Phải Trả Tự Do Cho Các Nhà Báo Chân Chính”, xin được trích dẫn nhập đoạn mở đầu:

Đã có hàng ngàn bạn đọc gửi thư về toà soạn Thanh Niên phản đối việc bắt giam hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên, Nguyễn Văn Hải của Báo Tuổi Trẻ. Các đường điện thoại của Báo Thanh Niên tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác trên cả nước gần như bị nghẽn liên tục bởi ‘cơn bão’ điện thoại của bạn đọc bức xúc gọi tới. Tất cả đều toát lên một đòi hỏi: việc khởi tố, bắt tạm giam hai nhà báo là không có đầy đủ căn cứ xác đáng, không có lợi cho sự nghiệp chung, và cần trả lại tự do cho các anh càng sớm càng tốt…”

Cùng lúc, báo Tuổi Trẻ – số ra ngày 17 tháng 5 năm 2008 – cũng ngỏ lời “Cảm Ơn Bạn Đọc”, như sau:

Bạn đọc thân mến, chúng tôi, những người làm báo Tuổi Trẻ, rất xúc động trước sự quan tâm của bạn đọc trước sự việc liên quan tới nhà báo Nguyễn Văn Hải. Hơn 2.000 cuộc điện thoại và mail tiếp tục gửi tới tòa soạn Tuổi Trẻ vào hai ngày 15 và 16-5 đã nói lên điều đó…”

Và ngoài sự quan tâm chia sẻ, nhiều bạn đọc đã đến tòa soạn và các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ đề nghị góp tiền để giúp gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải. Thay mặt những người làm báo Tuổi Trẻ và gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải, chúng tôi chân thành cảm ơn tấm lòng bạn đọc. Nhưng, chúng tôi xin phép được từ chối các khoản quyên góp của bạn đọc. Tập thể cán bộ, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã, đang và sẽ có trách nhiệm hỗ trợ gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải một cách chu đáo nhất…”

Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên, giới luật sư – những người tưởng như đã “tuyệt chủng” ở Viêt Nam – bỗng hồi sinh. Báo Thanh Niên, số thượng dẫn, đã tường thuật như sau:

“… luật sư Phan Trung Hồi (Đoàn Luật sư TP.HCM); luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật và Luật sư Hồng Huy Được, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cùng cho biết rất quan tâm đến trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Cả 3 luật sư đều sẵn sàng tham gia tố tụng vụ án này ngay từ giai đoạn điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến không lấy thù lao…”

Mọi người đồng tình lên tiếng về cái thái độ luật sư Lê Công Định gọi là sự “nhạo báng công lý” của nhà cầm quyền Hà Nội. Tôi không tin là ở VN cũng có công lý để bị nhạo báng. Có chăng chỉ là một thứ “hệ thống luật pháp nhợt nhạt” (theo như cách nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) và thường xuyên bị chà đạp, hay dầy xéo.

Con giun xéo mãi cũng oằn. Giọt nước cuối cùng đã tràn ly. Dân Việt đã thẳng thắn lên tiếng đòi hỏi được sống một cuộc đời bình thường, trong một xã hội (cũng) bình thường – như đa phần nhân loại. Cái kiểu sống theo mô hình cái thang chổng ngược, từ đây, sẽ bị khước từ (vĩnh viễn) ở Việt Nam.

Tưởng Năng Tiến

10/02/2010 Posted by | Sổ tay thường dân | Bình luận về bài viết này

Từ Chức và Từ Trần



“Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập.”

Hồ Chí Minh (3 tháng 9 năm 1945)

Rồi cuối cùng, ở Việt Nam, cũng đã có một nhân viên cán bộ – ông Lưu Văn Ca – xin từ chức. Lý do, theo như lời của chính đương sư, là vì “năng lực kém,” và “không có khả năng quản lý.”

Tôi sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật” – Lưu Văn Ca, Hiệu trưởng
(Nguồn: tienphongonline.com.vn)

Hàng ngũ quan chức ở xứ sở này, phần lớn, đều thuộc loại “năng lực kém” nhưng có lẽ ông Ca là người đầu tiên (và hy vọng sẽ không phải là người cuối cùng) xin từ chức vì “không có khả năng.” Đây là một tín hiệu đáng mừng, dù khởi đầu bằng một câu chuyện khá buồn – xin ghi lại tóm tắt:

Em Huỳnh Thị Ngọc Trâm là học sinh của trường tiểu học An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp do ông Huỳnh Văn Ca làm hiệu trưởng. Đương sự đã nhờ cơ quan an ninh mở cuộc điều tra vì nghi ngờ em Trâm lấy cắp 47.800 đồng, tiền qũi của lớp. Kết quả: vẫn không biết số tiền nói trên (biến) đi đâu nhưng em Trâm thì đã được gia đình đưa đi nhà thương – vì tâm thần bị rối loạn.

Khi được hỏi “đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc hành xử thiếu đạo đức” như vậy? Bà Đặng Huỳnh Mai, Thứ Trưởng Giáo Dục & Đào Tạo của nước CHXHCN Việt Nam, đã trả lời (nguyên văn) thế này:

Trong cuộc đời, đôi khi xảy ra những thứ không ai muốn. Họ cũng là những người hiểu biết nhưng việc xử lý các tình huống đối xử không tốt. Ví dụ, trong tình huống ‘hỏi cung’ em Trâm, phải nói công bằng là mục tiêu ban đầu chắc không ai muốn hại đứa trẻ. Nhưng phải xử lý tình huống như thế nào? Do vậy, ngay từ nhỏ, trẻ cần phải được giáo dục cách ứng xử tình huống.”

– “Vậy sắp tới, Bộ sẽ có biện pháp gì để tránh lặp lại những sự việc tương tự?

“- Sắp tới Bộ sẽ ra chuẩn giáo viên và phát động phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh… Thứ hai, tôi sẽ về Đồng Tháp xem tình hình em Trâm như thế nào…”

phát động phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh… – Đặng Huỳnh Mai, Thứ trưởng GD-ĐT
(Nguồn: giaoduc.edu.vn)

“Năng lực” và “khả năng quản lý” của bà Thứ Trưởng Giáo Dục & Đào Tạo của nước CHXHCNVN, ngó bộ, cũng không đỡ kém hơn ông Hiệu Trưởng Lưu Văn Ca (trường tiểu học An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) bao nhiêu. Tuy cũng thuộc loại tài mỏng nhưng (dường như) bà ấy có đức dầy. Nói theo ngôn ngữ của đời thường thì bà Đặng Huỳnh Mai là kẻ có lòng. Tấm lòng này được thể hiện qua quyết định đi thăm em bé nạn nhân của một vụ ép cung.

Cuộc phỏng vấn thượng dẫn, do phóng viên Tiến Dũng thực hiện, đọc được trên VnExpress, vào ngày 16 tháng 4 năm 2007, với tựa rất cảm động là “Tôi Sẽ Về Đồng Tháp Tìm Cách Giúp Bé Trâm.” Ở Việt Nam cán bộ nhân viên quan chức các cấp đều đươc tuyển dụng theo tiêu chuẩn “hồng hơn chuyên.” Do đó, người có khả năng rất hiếm và những kẻ có lòng – như bà Thứ Trưởng – thì quá … hiếm. Và có lẽ vì vậy nên bài phỏng vấn của ông Tiến Dũng đã được phổ biến rộng rãi – với ít nhiều sung sướng và hãnh diện – trên hầu hết những trang báo và trang web ở Việt Nam.

Tôi thực sự (vô cùng) cảm động vì tinh thần dấn thân của bà Thứ Trưởng nhưng cũng (hết sức) ái ngại cho thời giờ, cũng như cho sức khỏe, của bà ta. Khác với một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam là nơi mà mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó, khi có lệnh triệu tập (bằng miệng) hay giấy mời của công an thì bất kể trai / gái/ nam / phụ / lão / ấu… “dù gian nan cách mấy cũng lên phường” – theo như cách nói (bằng thơ) của thi sĩ Bùi Minh Quốc.

Ở Phường hay ở Xã thì chuyện hỏi cung (hoặc ép cung) vẫn xẩy ra thường ngày, cũng cứ y như ở Huyện, vậy thôi. Hễ nơi nào có học sinh bị hỏi cung mà cũng chạy bổ đi (“tìm cách giúp”) như thế thì có lẽ trong lòng bàn tay của bà Thứ Trưởng – ngoài đường đường kách mệnh, và đường may mắn – còn có thêm đường… vất vả nữa. Tôi e là bà Mai sẽ vất vả lắm, và vất vả không ngừng, với cung cách làm việc mau mắn như thế.

Sau khi bé Trâm phải vào bệnh vì “rối loạn tâm thần,” một vụ “ép cung” tương tự cũng đã xẩy ra cho một em học khác, tên Nguyễn Bùi Sĩ Thanh – học sinh lớp 4 của trường tiểu học Tân Hội Đông, tỉnh Tiền Giang.

Theo Thanh Niên Online, đọc được vào ngày 5 tháng 4 năm 2008, thì vì bị nghi ngờ lấy cắp một cái điện thoại di động nên công an xã đã cho người đến nhà ‘mời’ em Thanh về trụ sở để làm việc.

Theo đó Thanh thừa nhận có lấy cắp chiếc điện thoại di động, đã đem bán được 600.000đ và đem về bỏ ống heo trong tủ. Đến 14 giờ cùng ngày, đích thân ông Huỳnh Văn Vịnh – Trưởng công an Tân Lý Đông cùng một công an viên đến nhà ông Út thực hiện việc khám xét, truy tìm ‘tang vật’. Nhưng tìm hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn không thấy tang vật, ông Vịnh ra về rồi sau đó cho 2 công an viên trở lại tiếp tục khám xét! Cùng ngày, công an xã cũng đưa em Thanh đi thu hồi ‘tang vật’ tại 2 điểm bán điện thoại ở địa phương, nhưng chủ cửa hàng đã xác nhận không hề mua chiếc điện thoại nào của em Thanh.”

Tiếp xúc với báo chí hôm qua 5.4, ông Huỳnh Văn Vịnh thừa nhận việc công an xã làm việc với em Thanh mà không có người giám hộ là sai; việc ông Hồ Văn Vũ (công an viên) lập biên bản vi phạm hành chính rồi buộc em Thanh phải ký thừa nhận hành vi trộm cắp mới cho về là ‘do nóng vội’ và ông Vịnh cho biết sẽ thu hồi lại biên bản…”
Công an xã Tân Lý Đông giải quyết sự việc tuy hơi thiếu tình nhưng giản dị và hữu lý: “thu hồi lại biên bản” của cuộc hỏi cung là kể như xong. Mọi người sẽ lại tiếp tục sống (vô tư) y như cũ.

Trường hợp của em Nguyễn Minh Cảnh (11 tuổi, học sinh lớp 6, trường THCS Bình Ngọc, thuộc thành phố Tuy Hòa) thì hơi khó vô tư hơn – chút đỉnh.

Cũng vì bị nghi ngờ là đã lấy cắp điện thoại di động, em Cảnh đã bị công an xã Bình Ngọc xét hỏi, hù dọa, và đánh đập tơi bời từ sáng đến chiều. Khi được thả, ngoài những vết thương khắp người, trên trán của em Cảnh còn có một lỗ trống sâu (đường kính cỡ 2 cm) vì bị một nhân viên công an bắn bằng súng cao su.

Sử dụng súng cao su (thay vì súng thật) để lấy cung, nghĩ cho cùng, là một sự nhân nhượng rất lớn của nhân viên công lực – ở Tuy Hoà – đối với dân chúng. Nơi những vùng xa, vùng sâu, vùng rừng núi, người dân không được hưởng sự nhân nhượng tuơng tự. Em Hồ Phi Hiền – học lớp 6, trường THCS Trần Quang Diệu, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đak Lak – là nạn nhân (điển hình) của sự thiếu nhân nhượng đó.

Hồ Phi Hiền (Nguồn: tuoitre.com.vn)

Câu chuyện được TTXVN tường thuật như sau:

Sau khi đi học về, Hiền giúp mẹ mang bao lúa đi xay xát. Trong khi chờ đến lượt, Hiền sang quán bà Quang bên cạnh xem trò chơi điện tử. Quán vắng người, thấy rổ tiền xu Hiền lấy một nắm bỏ vào túi. Người hàng xóm phát hiện, báo cho bà Quang. Học sinh này được mời lên công an xã làm bản tường trình.”

“Tại đây, Hiền khai nhận đã lấy 47.000 đồng gồm các loại tiền xu có mệnh giá từ 1.000 đến 5.000 đồng. Cuối buổi chiều, mẹ của Hiền lên công an xã ký giấy bảo lãnh cho Hiền về. Công an xã cho rằng Hiền khai nhận chưa thỏa đáng, thiếu trung thực đề nghị chiều ngày hôm sau tiếp tục đến lấy lời khai…”

“Đến chiều, mẹ của Hiền chuẩn bị đưa cháu lên công an xã làm việc thì phát hiện con trai tự tử. Trước khi chết, Hiền để lại một bức thư cho gia đình, với nội dung xin lỗi vì đã làm phụ lòng bố, mẹ.
Tôi (trộm) nghĩ thêm rằng: em Hồ Phi Hiền không chỉ đã làm phụ lòng bố mẹ mà còn làm buồn lòng bà Đặng Huỳnh Mai nữa. Có lẽ vì ở vùng xa, vùng sâu, vùng rừng núi nên em Hiền không biết rằng bà Thứ Trưởng Giáo Dục đã có đề xuất biện pháp “phát động phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh,” để ngăn chận “tình huống hỏi cung” của công an đối với học sinh.

Vi nhân nan. Làm người (quả) khó. Làm người Việt càng khó. Và làm người Việt thiểu số thì có lẽ là điều bất khả. Do vậy, em Hồ Phi Hiền đành phải làm phụ lòng bố mẹ, từ chức làm người, để chuyển (luôn) sang từ trần cho… xong chuyện.

Ở bên kia thế giới cầu mong em đừng phải gặp lại bác Hồ, lần nữa.

Tưởng Năng Tiến




10/02/2010 Posted by | Sổ tay thường dân | Bình luận về bài viết này