sổ tay thường dân

Tưởng Năng Tiến

… từ bạn bè

Từ Facebook của… Quang Caumuoi

K’ Tiến …

 


Cái tên đọc lên thấy giống như tên của người thiểu số, anh em đồng bào của chúng ta đúng không các bạn.
Các sắc tộc người thiểu số Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam hình như có một sắc tộc mang họ K’ thì phải, tui không rành.
Cái ông trong hình ổng cũng có cái bút danh như vậy, nhưng ổng không phải là người thiểu số mà ổng là người Kinh 100%.
Thế hệ của ổng, thuộc về thế hệ “Bắc Kỳ Con”di cư.
Gia đình ổng khăn gói vào Nam năm 1954, rồi ông bà thân sinh của ổng được chính phủ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đưa lên định cư làm lại cuộc đời, ở tuốt đâu trên Ban Mê Thuột hay Đà Lạt, Kon Tum gì đó, tui quên rồi.
Ổng hồi đó còn nhí, xứ thượng buồn thấy mẹ, cho nên ổng tha hồ trốn học rong chơi, chắc ổng cảm đất, cảm người sao đó, nên sau này ổng viết văn, ông chọn cái bút danh này.
Bút danh của ổng thì hơi bị nhiều:
K’ Tiến, Tưởng Năng Tiến, Tưởng Năng Thối, Phó Thường Dân.

Ổng cũng như nhiều “nhóc” Bắc Kỳ Con, lớn lên ở miền Nam, rồi quê hương khói lửa ngập tràn, bởi mấy thằng ông nội việt cộng, viện đủ cớ để xua quân vào Nam bắn giết.
Mấy ổng, ít ông nào cảm thấy yên ổn ở ghế nhà trường, khi nhìn quê hương cháy đỏ từng ngày, bạn bè cứ lần lượt ra đi, có những người đi luôn không trở lại, thế là mấy ổng cứ hết lớp người này đến lớp người khác, bỏ trường bỏ lớp, bỏ cha già mẹ yếu, em thơ, tình nguyện lên đường.
Chiến tranh tăng cường độ, chiến trường đi không tiếc đời xanh, “mấy chả” già trước tuổi, có người gục ngã khi chưa biết yêu là gì.
Rồi thì vận nước tàn, việt cộng nhốt “mấy chả” vô tù, có người bỏ xác trong tù, có người chỉ được thả ra khi gần chết, có người vài năm, có người trốn trại.
Ta nói thôi thì đủ hết đoạn trường.
Có người được tụi nó thả ra, không còn nhà để về, có người không dám tìm về cố thổ, trốn chui trốn nhủi tìm đủ mọi kế để sống còn dưới chế độ bất nhân của bọn nó.

Cây cột đèn mà đi được nó cũng đi.

Đó là câu nói của người dân miền Nam vào thời điểm đó, tuôn ra biển, đi đường bộ.
Bỏ xác trong rừng cũng đi, bỏ xác dưới biển cũng đi.
Có người vượt thoát có người không.

***

Có một cái điều lạ, là thế hệ của mấy chả kỳ cục, thoát được rồi, không lo làm ăn hưởng thụ, mà mấy chả lại tìm đường về, băng rừng lội suối, gian khổ hiểm nguy cũng về.
Về để giải phóng quê hương.
Ông nào không về thì ở lại tìm cách lo cho người về.
Ngày thường thì lội tuyết đội sương đi cày, hai ngày nghỉ thì túm lại với nhau, lo đủ thứ.
Hậu Phương Yểm Trợ Tiền Tuyến mà.
Nghĩ lại thấy thương mấy chả gì đâu.
Gãy súng mấy chả cầm viết.
Cởi quân phục mấy chả mặc civil, nhưng cái nét lính tráng vẫn còn.
Ông K’ Tiến nhà mình cũng vậy.
Tui “biết” đến ổng đâu hồi giữa thập niên 1980..
Ổng, Võ Hoàng, Nguyễn Văn Ba, Trần Thiện Khải và nhiều lắm nhớ không hết.
Những bài viết, bài thơ, bài nhạc truyện ngắn, của mấy ổng là những ngóng chờ của tui hồi đó, vì từ Mỹ qua Úc cũng hơi lâu.
Văn Kỳ Thanh.. tui khoái ông K’Tiến này bởi một câu:

– Kệ, dù không thật lòng, không đồng ý với nhau, nhưng cứ nói với nhau về quê hương là tui chịu.

Đại ý là như thế.. Hào sảng vô cùng.
Nếu nói không ngoa, hay thấy người sang bắt quàng làm họ, thì hình như tui bị ảnh hưởng cái lối viết của ổng thì phải.
Nhận Sư Phụ thì không dám, nhưng ổng là thầy tôi.
Những người luôn trên đường đi, những người luôn miệt mài tha thiết với quê hương là những người tôi luôn kính trọng.
Viết về ổng là một chuyện liều mạng.
Ông già Luân Hoán ổng viết hết rồi, có đâu mà tới phiên mình, một thằng vô danh tiểu tốt.
Nhưng tui nói thiệt tui nể “chả” vô cùng.
Sức đâu mà chả viết miệt mài, viết về đủ mọi đề tài, mà không phải hổ lốn đâu, bài nào của chả cũng làm cho bọn kia nhảy tưng tưng lên như gái ngồi phải cọc, mà đâu phải chả chửi bới gì đâu, văn là văn .

***
Bên cạnh chuyện cầm bút, chả còn làm những chuyện it có người làm được..
Đi đem tình thương của tha nhân đến với những mảnh đời bất hạnh, của đồng bào không tổ quốc, đâu ở tuốt bên Biển Hồ, Campuchia á. Những lớp học tình thương, y tế…v.v.
Cái nhà nước khốn nạn việt cộng này, chỉ tha thiết với “việt kiều”có đô, ở Mỹ, ở Úc, Pháp, Anh..
Còn việt kiều Campuchia thôi khỏi, chúng nói “chết mẹ tụi mày” đi. Bọn đĩ chó khốn nạn việt cộng.

***
Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng, ổng cũng quan tâm, thượng nguồn Vân Nam, Tam giác vàng, tam giác sắt, chùa Tháp, Băng Cốc, chỗ nào cũng có dấu chân ổng.
Giày sô há mõm cũng đi, gác trọ tàn đêm uống một mình, phố đèn đỏ Singapore, ngồi nhìn những mảnh đời lưu lạc của những người đồng bào tha phương cầu thực, những con hẻm nhỏ ở Thái Lan, với những người Thượng, người tỵ nạn chính trị muộn màng chờ mỏi mắt tình thương đã cạn kiệt của thế giới tự do cũng có ổng..
Vậy mà hồi xưa có người còn châm chọc gọi ổng là Tưởng Năng Thối nữa chứ, cà chớn thiệt .
Nói sao hết, nói sao cho vừa.
Thôi tóm lại là một chữ : Nể !
Các bạn có thể tìm đọc ông ấy trên Facebook này.

Năm mới kính chúc nhà văn Tưởng Năng Tiến nhiều sức khỏe.

Thằng em,

Quang Caumuoi
Feb 9, 2019

******************************

Bài Này Tui Viết Đã Hai Năm.
Chiều nay đi làm về, đọc được bài của ổng, trong đó có đoạn thơ mà tui nhớ đã đọc ở đâu đó:
Chị ơi thôi đừng đợi
Chiều nay em không về

Hôm nay mới biết là thơ của ổng.

Tui sửa chính tả, câu cú lại. Vẫn giữ nguyên những gì tui viết, dù ổng có đính chính là ổng sống ở Sài Gòn hồi nhỏ, chứ không phải trên Cao Nguyên như tui viết.
Kệ đi. Miễn sao lòng tui nghĩ sao thì viết vậy.

Và cũng xin xác nhận lại lần nữa, tui hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi lối viết của ổng. Nhận vơ ổng là Thầy, cũng không có gì sai mấy.

Chúc Thầy nhiều sức khỏe.

Quang Caumuoi
Feb 9, 2021


 

Từ Facebook của… Vanessa Nguyen

 

Galang Tình Xù


Ai đã từng ở đảo Galang, chắc hẳn đã nghe câu: Galang tình xù. Chữ “xù” là chữ lạ tai với tôi. Tôi được nghe chữ “xù ” rất nhiều khi còn trên đảo hơn 30 năm về trước. Khi bị một quốc gia nào đó từ chối không cho định cư, người ta sẽ nói: Tôi bị nước Mỹ, Canada hoặc nước nào đó “xù”.

Nhưng câu Galang tình xù có lẽ ám chỉ đến những mối tình tuy tha thiết nhưng không có kết quả ở hòn đảo tạm dung thân. Người đi định cư trước đã quên lời thề hẹn và người ở lại đi sau vẫn đợi chờ trong tuyệt vọng. Biết bao là nước mắt tủi hờn. Một nhà thơ nào đó cảm thông cho nỗi lòng của những cô gái bị phụ bạc, lãng quên bởi những chàng trai đi trước đã đăng bài thơ khá phổ biến. Thật tình mà nói, lời thơ rất giản dị, không chút gì phức tạp, nhưng có lẽ nó phù hợp với lòng các cô gái trẻ, nên được mọi người, nhất là các cô gái trẻ trên đảo ưa thích và chuyền tay nhau đọc.

Xa anh trời vào hạ
Thái Lan mưa đầu mùa
Bây giờ là cuối hạ
Nam Dương trời đang mưa

Galang đời cũng đẹp
Người ta thường có đôi
Riêng mình em thì trót
Yêu anh rồi nên thôi

Em vẫn thường ra biển
Nhìn về phương trời xa
Cali anh còn nhớ
Biển đêm nào Songkhla

Thư anh ngày một chậm
Nét chữ càng thêm to
Giấy trắng thừa ra mãi
Làm sao em không lo

Hay là thôi anh nhé
Làm bận lòng nhau chi
Biết đâu đời lại đẹp
Khi đường ai nấy đi

Hơn 30 năm sau, tất cả những chàng trai, cô gái trẻ hầu hết lập gia đình, ổn định nơi xứ người, và mái tóc bắt đầu điểm sương… Galang chỉ còn là kỷ niệm xa mù. Vậy mà, qua bao năm tháng bận rộn nơi xứ người, tôi vẫn không quên hòn đảo bé nhỏ với bao hình ảnh khó quên. Dĩ vãng nhạt nhòa, bài thơ đọc được ở đảo tôi vẫn nhớ nằm lòng. Tôi nghĩ chắc chẳng còn ai nhớ đến bài thơ này nữa. Một ngày kia, tình cờ tôi đọc một bài viết của nhà văn quen thuộc trên báo. Ông ấy viết về đảo Galang, và viết về bài thơ ông ấy sáng tác khi còn ở đảo. Tôi bàng hoàng khi nhận ra đó chính là bài thơ đã đi theo tôi trong bao năm tháng qua. Điều buồn cười nhất là ông ta không nhớ hết bài thơ mình đã sáng tác vì thời gian đã quá lâu. Ông ấy chỉ nhớ lại được khoảng chừng phân nửa bài thơ. Không trách được, tóc ông đã bạc màu. Khi ông sáng tác bài thơ đó, ông khoảng chừng 30, mà tôi lúc đó chỉ là cô gái mới lớn, chập chững vào đời. Ông ta không thể ngờ rằng bài thơ mình viết đã đi theo cô gái nhỏ trong suốt bao năm qua.

Galang tình xù…. Ai đó đã nói: Thời gian và con người là hai thứ tàn nhẫn, bạc bẽo nhất trong cuộc sống. Chắc không hẳn như thế đâu. Thời gian gần đây, có những người đã tìm cách trở về thăm hòn đảo ngày xưa. Chốn xưa tiêu điều. Hòn đảo dung thân ngày xưa giờ hoang vắng, dù người ta thỉnh thoảng vẫn nhận ra một vài dấu tích còn sót lại. Thì ra, năm tháng có phôi pha, nhưng người ta vẫn không quên quá khứ, một nơi đã chất chứa bao kỷ niệm của những ngay sống trên đảo hoang khi vừa vượt qua chuyến hành trình đầy gian nan, nguy hiểm. Dẫu có là Galang tình xù, thì những mối tình đầu đời đó, dù đắng cay, vẫn là mối tình đep, thơ mộng của đời người.

Xem video chiếu về Galang Island, tôi không khỏi bùi ngùi. Nơi đây còn lại những nấm mộ của những người đã bị bệnh và vùi thân nơi hòn đảo này. Bây giờ thân nhân của họ trở lại thăm viếng và có một số người tìm cách bốc mộ để đem xương cốt của họ về với gia đình. Cô em dâu kể cho tôi nghe một câu chuyện thương tâm mà cô xem trên video thu lại của những người về thăm lại Galang. Có hai nấm mồ của đôi trai gái còn trẻ. Họ gặp nhau và yêu nhau tha thiết trên đảo. Gia đinh cô gái ngăn cấm quyết liệt vì gia đình cô gái và chàng trai không định cư ở cùng một nước, cho rằng mối tình của họ sẽ không có kết quả. Cô gái vì quá yêu thương chàng trai này nên đã tuyệt vọng và uống thuốc quyên sinh. Chàng trai trẻ thấy người mình yêu thương đã chết nên quá đau lòng và cũng tự tử chết theo. Thật là một thảm kịch cho người đã chết và cho người thân còn sống. Hai người được chôn trong hai nấm mồ bên cạnh nhau tại một mảnh đất hoang trên hòn đảo tỵ nạn. Nghe câu chuyện mà tôi xúc động, bùi ngùi. Thì ra, Galang không phải chỉ có… tình xù.

Xem video chiếu về Galang Island, tôi không khỏi bùi ngùi. Nơi đây còn lại những nấm mộ của những người đã bị bệnh và vùi thân nơi hòn đảo này. Bây giờ thân nhân của họ trở lại thăm viếng và có một số người tìm cách bốc mộ để đem xương cốt của họ về với gia đình. Cô em dâu kể cho tôi nghe một câu chuyện thương tâm mà cô xem trên video thu lại của những người về thăm lại Galang. Có hai nấm mồ của đôi trai gái còn trẻ. Họ gặp nhau và yêu nhau tha thiết trên đảo. Gia đinh cô gái ngăn cấm quyết liệt vì gia đình cô gái và chàng trai không định cư ở cùng một nước, cho rằng mối tình của họ sẽ không có kết quả. Cô gái vì quá yêu thương chàng trai này nên đã tuyệt vọng và uống thuốc quyên sinh. Chàng trai trẻ thấy người mình yêu thương đã chết nên quá đau lòng và cũng tự tử chết theo. Thật là một thảm kịch cho người đã chết và cho người thân còn sống. Hai người được chôn trong hai nấm mồ bên cạnh nhau tại một mảnh đất hoang trên hòn đảo tỵ nạn. Nghe câu chuyện mà tôi xúc động, bùi ngùi. Thì ra, Galang không phải chỉ có… tình xù.

Vanessa Nguyen
Aug 27, 2015



 

 

Từ… vuông chiếu Luân Hoán

TƯỞNG NĂNG TIẾN & VÕ HOÀNG (1)
MĂNG ĐẦU MÙA

 

chủ Sổ Tay Phó Thường Dân
mấy ai không biết rằng ông giàu lòng
với đồng bào với non sông
dùng bút châm cứu khai dòng yêu thương

mất bạn cùng đi chung đường (1)
nhưng không bỏ lạc dấu phương hướng tìm
sắc sảo chữ từ nhịp tim
nhẹ nhàng châm biếm có duyên thâm trầm

hình thức tác phẩm thay dòng
nội dung không đổi nâng tầm nghĩa nhân
cuộc sống liền cánh tổ tông
nhân bản trong cách phát ngôn chân tình

Luân Hoán
11.12.2015

 

(1) nhà văn Võ Hoàng, tham gia kháng chiến đã hy sinh vào tháng 8-1987.
tác giả ký tặng:
– Đất Lạ
– Măng Đầu Mùa
– Trong Lòng Cách Mạng (VH)
và nhiều sách của các tác giả khác



Từ Facebook của… Lâm Mạnh Di

 

Đọc nhà văn Tưởng Năng Tiến

“Nói chung bọn quỷ này mà còn thì đất nước muôn đời không khá lên được!”

Anh thường mở đầu một bài viết của mình bằng một câu “xanh rờn” như vậy ! Lâu quá rồi, tôi chẳng còn nhớ, mình là Fan của anh từ lúc nào.

Đọc những bài viết của anh để tìm được những nụ cười thật chua chát, nụ cười “méo mó” như cái xã hội VN bát nháo bây giờ. Ngòi bút của anh diễn tả những sự kiện ở cái đất nước buồn rầu này một cách thật đặc biệt. Anh dẫn dắt người đọc trước hết đến những gì đã xẩy ra một cách thứ tự, rồi anh xào nấu tin tức qua cái nhìn của anh, làm cho người đọc thấm thía hơn, hiểu rõ hơn bản chất của sự việc.

Và cười, đôi khi là nụ cười đen, vì lối hành văn của anh làm cho mọi việc anh nhìn đều có cái chất hài trong đó. Chất hài trong văn của anh nó không giống như khi ta xem Đọc Báo Vẹm. Xem Đọc Báo Vẹm ta có thể bật cười thoải mái, cười rồi quên ngay. Nhưng đọc văn của anh ta cũng có thể cười như vậy, nhưng dấu đằng sau những nụ cười đó là những dòng nước mắt đau xót cho quê hương dân tộc này ..

Tôi không đủ khả năng để diễn tả đầy đủ về ngòi bút Tưởng Năng Tiến , nhưng rất vui trong cái chợ trời FB tạp nham này có sự hiện diện của anh. Vào cái chợ trời FB này, ngoài những tin tức hữu ích, rất mệt mỏi phải đọc những đấm đá chửi bới, chụp mũ, khoe mông khoe ngực… Những lúc chán ngấy như vậy, tìm đọc được những bài viết của anh thật là thú vị.

Cám ơn anh và xin giới thiệu với bạn bè của tôi !

Lâm Mạnh Di
September 19, 2015 ·


Từ… vuông chiếu Luân Hoán

 

Tưởng Năng Tiến

 

ông đâu cần đền ơn
mắc mớ chi nhắc mãi
túi kỷ niệm trống trơn
khoái xào đi nấu lại

tuổi tôi tuy đã cao
bảo đảm chưa lẩm cẩm
vẫn nhớ rõ chỗ nào
bỏ tình vào hâm nóng

nhớ lại hồi mới qua
không chân ướt chân ráo
chỉ cà nhắc thôi à
nên chán, ngồi một chỗ

buồn tay chép thơ xưa
lưng lưng vài cuốn vở
ước mơ có tay đưa
tình bén lòng thiên hạ

đâu ngờ ước mơ suông
sớm có thành tựu thật
khi tình cờ quen ông
qua đường thư bưu điện

không chỉ được in thơ
còn có thêm được bạn
dù chẳng phải bạn vàng
bạn dám chơi xả láng

vốn cùng gốc nhà binh
ít nhiều quen thuốc súng
thêm thơ văn linh tinh
quen được ông, thật sướng

nhớ “cư an tư nguy” (1)
nên làm lơ đâu dễ
mơ góp một chút gì
ngăn bớt nhục quốc thể

một lần ông nghi ngờ:
“anh chừ hơi chùn bút ?
hết đạn rồi hay sao
thiếu nồng nàn như trước !”

nhìn chữ ông, buồn buồn
tuy chưa hề bỏ cuộc
đạn tôi vốn khiêm nhường
trước niềm tin trầy sướt

cũng may còn có nhiều
bằng hữu như ông vậy
hụt bước mặt trận này
lao vào chiến trường khác

với riêng mục Sổ Tay (2)
ông duyên dáng rỉ rả
tẩm mật vào ớt cay
đọc ngậm nghe quá đã

đâu có phải ớt đâu
vị cay này pha đắng
từng chữ bám từng câu
cõng bi đát uất nghẹn

định trích dẫn khoe chơi
tim phổi ông ngồi gõ
sâu sắc từng chùm đời…
kỳ chưa, vẫn ngồi ngó

làm sao chọn được đây
đoạn lòng nào cũng tuyệt
hình ảnh nào cũng đầy
tình người ấm nhân bản

từ văn qua đến thơ
ông sung sức linh hoạt
từng sự việc nhỏ to
định bệnh lẫn châm cứu

một ví dụ nhỏ thôi
nhưng cũng đủ xác định
tài viết ông chín mùi
trong rất nhiều lãnh vực:

tôi dân gốc Hội An
ghiền đặc sản mì Quảng (3)
chưa viết nổi dòng nào
bằng ông món quốc túy

khen ông, tôi thật lòng
nói quá tự biết dị
chê ông, đám hồng hồng
chuyên đối đầu, đố kỵ

không định tạc tượng ông
để hù dọa ai đấy
gắng chơi thử đôi dòng
chủ ngọn bút bén nhạy:

ấu thơ ông đi chơi
loanh quanh rồi đi học
đi lính khi vào đời
đi tù khi nước khóc

đến Mỹ tuổi còn hâm
chưa “tam thập nhi lập”
ông đi làm văn nhân
Măng Đầu Mùa bụ bẫm (4)

nhớ Cuộc Chiến Chưa Tàn (5)
thử dấn thân lửa đạn
mệnh nước còn lầm than
ngậm ngùi đổi vũ khí

không ai không đọc ông
hải ngoại lẫn trong nước
cái “Sổ Tay Thường Dân”
cả một kho kiến thức

khởi chuyện rất nghiêm trang
chuyển dần sang giễu cợt
bắt nguồn những ứa gan
ông bứng những nọc độc

chẳng phải dễ ra đòn
cho hợp đạo thuận lý
ngoài tài còn có duyên
tình người và nghĩa khí

chẳng riêng tôi khen ông
thử thăm dò nhiều bạn
mười người đủ chục người
khoái ông viết quá mạng

nhiều người đã hỏi tôi
ông mặt dài hay ngắn
nhan sắc có tuyệt vời
như văn tài độc đáo ?

tôi tiu nghiủ ngồi nhìn
đám chữ trong thư viết
chỉ gặp được thân tình
chưa thấy rõ người thiệt

muốn gọi xin ảnh ông
cho nhiều người xem ké
hơi lười nên chớp luôn
ảnh thường-dân lúc trẻ

tnt













không hời hợt vô tình
nhưng tôi vốn rất ngại
tò mò chuyện linh tinh
chừ sật sừ là phải

không biết tên cúng cơm
cũng mù luôn cái họ
làm sao làm bạn ông
cho xớ rớ đâu đó

qua o Lê Thị Huệ
biết ông cao “ngồng ngồng” (6)
“nhẹ nhàng” và “lịch sự”
“đầy nghệ thuật”… tỏ lòng

giọng nói rất “sắc sảo”
tướng mạo rất “ngang tàng”
nhà văn nữ còn phán:
“đàn ông nhiều bẫy ngầm”

tâm dung ông qua tôi
như vậy là bù trất
nhớ ơn ông ngậm ngùi
già rồi mau nước mắt

Luân Hoán

1) châm ngôn của trường Bộ Binh Thủ Đức VNCH
2) tên mục thường xuyên của TNTiến
3) Mì Quảng, phổ biến trên nhiều trang web
4) tên tập truyện ngắn của TNTiến và cố nhà văn Võ Hoàng
5) tên tập truyện của TNTiến
6) những chữ trong ngoặc kép của nhà văn Lê Thị Huệ, trang chủ Gió O


Từ thơ… nguyễn thanh-khiết

 

Trở Về Xứ Núi

Ba mươi năm ta về thăm phố chợ
Qua Cẩm-Giang trông con nước chảy xuôi
Chỗ kia Vũ Anh Sương đứng bùi ngùi
Bài thơ cũ ngâm nga hoài chưa lắng

Đi dọc Long-Hoa nhớ về quán Khói
Thời gian trôi mất bóng một Phương-Loan
Chiều nay ta ngơ ngác giữa cầu quan
Bên kia dốc đứng Konya buồn muôn thuở

Ta lạc về lạ xa từng góc phố
Nhớ Quốc-Nam còn cao giọng trong say
Trần Duyên Tưởng một đời thơ bỏ lại
Khúc ca quán Mường lâu lắm chưa quên

Ta quay về nghe chuông trống buồn tênh
Đêm bước chậm môi khô từng hơi thuốc
Đây quán Cuội chỉ dăm thằng nhập cuộc
Góc Mây Ngàn Tưởng Năng Tiến chia tay

Ôi ta về như lữ khách loay hoay
Ngó đau đớn vào trong từng góc nhớ
Tây-Ninh đâu còn rừng xanh núi thở
Có chăng là tro bụi bốc thành hơi

Xác bạn bè phơi cứng giữa sân chơi
Trong trận chiến nghẹn ngào buông tay súng
Tây-Ninh làm ta cơ hồ bủn rủn
Nát bấy thơ ngây một thuở đi đày

Nay ta về chưa kịp tỉnh cơn say
Lòng như đã lắng dòng kinh bất diệt
Mai ta đi có gì đâu thương tiếc
Gởi nơi nầy trăm nhớ chết từ xưa

nguyễn thanh khiết
Tây-Ninh-02-09-09

 

Khi Qua Thành Tây Cũ

(viết cho Trạch Gầm, Trần Duyên Tưởng, Tưởng Năng Tiến…)


thôi ta đứng nơi này – bên hốc núi
nhìn một trời thơ lừng lửng đi qua
ngó cái bóng xưa nay đã rất già
đang thoi thóp bên bờ sông Vàm Cỏ

trên đất khốc khô còn gì ở đó
bạn bè đứa chết, đứa đã bỏ đi
Trảng Lớn, Kà-Tum rừng lá xanh rì
nơi ta nợ những nấm mồ vô chủ

qua Tha-La biết còn ai ủ rũ
một bước Gò Dầu thấy vậy mà xa
con sông chảy ngang nhìn đã nhớ nhà
mà chân cứ lê hoài trên đất khách

bỏ thành Tây ta đi ngày giặc tới
mặc em thơ nắm níu buổi đi đày
cà phê Mường, Cuội, Mây Ngàn, quán Mai
bốc khói trong mơ những ngày biệt xứ

gần bốn mươi năm còn nguyên dấu đạn
trong tim người đã lỡ một chuyến đi
ta loay hoay một thứ mộng biên thùy
tưởng đã tắt theo ngày tàn binh lửa

thành Tây của ta nợ nần chất chứa
buổi quay về chuốt rượu giữa thành Tây
ta giống như con thú bị xé bầy
lẻ loi giữa cầu Quan ngày nắng xế

thành Tây ơi ta qua cầu Rạch Rễ
nổi da gà đứng trước chợ Cẩm Giang
những ngày xưa trốn học đi lang thang
mắt em lỡ nhốt ta nhiều năm tháng

ta bỏ đi như đoạn lìa khổ nạn
cõng trên lưng giấc mộng lỡ chưa tròn
gánh một đời chưa được giấc ngủ ngon
quay về lượm lại tình xưa đã vỡ

chiều không mưa, nắng vàng hoe trên tóc
thương con đò năm cũ đã qua sông
thấy bóng ta chảy xuống giữa dòng trong
bên lau lách chim gọi chiều đâu đó

bỏ thành Tây, bỏ em, ta nỡ bỏ
mấy mươi năm còn ai đợi, ai chờ
tiếng chuông chùa vừa gõ xuống chiều mơ
ta có lẽ giống như người khách lạ

nguyễn thanh-khiết
3-2011



Từ Blog của… Bắc Phong

 

qua sông

bạn tôi* sách dở đem vứt bỏ
còn sách nào hay lại đem cho
tôi phục bạn qua sông kiến thức
đã khôn ngoan đem gửi lại đò

*Tưởng Năng Tiến

Bắc Phong
24-08-2009

 

 

hai vợ chồng đọc TNT

chồng (chán nản) :

mặc ai chê nói xấu xa
chuyện ngồi chồm hổm dân ta thói thường

vợ (sửa lưng) :

nhưng ngồi chồm hổm lề đường
và ngồi chồm hổm chính trường khác nhau

* sau khi đọc tản văn Ngồi chồm hổm của Tưởng Năng Tiến trên blog của ông.

Bắc Phong
03-04-2011




Lá Thư Từ Kinh Xáng

Kinh xáng Bốn Tổng ngày 14 tháng 7 năm 2011

Chú Tư Tiến thân mến,

Tui rất mừng là hôm 02 tháng 7 năm 2011 có nhận được thư chú gởi nhắc cuốn Mùa Màng Ngày Cũ, mừng là vì có một người am kim bác cổ như chú mà ưa ba cái chuyện làng quê tụi tui thì còn gì bằng. Mở đầu lá thư chú viết:

 “Kính gửi anh Hai Trầu

Thưa anh em là Tư Tiến, người được anh tặng sách từ bữa 25 tháng 4 mà tới bữa nay mới viết thư cảm ơn. Lý do là em cứ nghĩ mình sẽ viết một bài báo “rất bảnh” về Mùa Màng Ngày Cũ để tặng ông Lương Thư Trung cho nó ngon lành, thay vì một lời cảm ơn suông.

Nghĩ thì dễ vậy mà hơn hai tháng nay chưa viết xong nên thôi thì đành cảm ơn suông lấy vốn cái đã, cho dù là muộn. Em chắc là mình mạng Thuỷ nên sông, suối ao, đìa, rạch, thác…gì em đều thích hết. Con gì ở dưới nước em cũng thích luôn. Mọi sinh hoạt liên quan đến cá tôm (câu, cắm, rớ, lưới, tát, xúc … ) em đều say mê ráo trọi.


Trời hại cái là em sinh trưởng ở miền núi nên những cơ hội tiếp xúc với cá nước không nhiều. Đà Lạt có hồ Xuân Hương, em biết rõ cái hồ này như biết căn nhà thời thơ ấu của mình. Chỗ nào nước sâu, chỗ nào nước cạn. Chỗ nào cắm có cá trê, chỗ nào để câu cá giếc, chỗ nào để câu cá chép, lúc nào câu được cá rô, góc nào có bầy ròng ròng mới đẻ…


Chỉ có một lần em ghé Tân An, Châu Đốc, lúc 15 tuổi, và được chứng kiến cảnh Kéo Bò. Mãi tới bây giờ, bốn mươi năm sau, em vẫn còn nhớ hình ảnh mớ tôm cá (dám tới bốn năm ký) nhẩy lao xao khi người ta mở cửa bò hứng cá vô chậu. Thiệt là thấy ham quá xá. Ở Đà Lạt, đi câu nguyên năm chưa chắc đã được số cá người ta kéo bò chỉ một lần như vậy.”


Chú Tư,

Qua đoạn thơ trên, được biết chú mạng Thuỷ; Thuỷ là mang cái mát đến cho mọi người, mang cái vui cho người làm ruộng. Lạy trời mưa xuống lấy nước tui uống, lấy ruộng tui cày mà. Nghe chú  kể chú vốn dân Đà lạt và mê cá trên vùng hồ Xuân Hương tui lại càng mừng, vì hồi xưa tui có lang bạt tới vùng thông reo bốn mùa của chú; có biết hồ Xuân Hương; có nghe tiếng thác Cam Ly chảy róc rách; có đi ngang cà phê Tùng; có liếc vô nhà hàng Cẩm Đô; có ghé lại con đường Bà Triệu bên cái dốc cầu đúc có dòng suối nhỏ chảy rì rào; có qua Lạc Dương coi người ta trồng cải; có xuống Đập Đất nhìn ngắm những giàn trái su; có dìa Đơn Dương xem cá chép nơi đập thuỷ điện Đa Nhim và có băng qua con lộ 20 bis với những rừng chồi lưa thưa để thăm Tùng Nghĩa, Đức Trọng và nghe tiếng thác Liên Khương lách mình êm êm qua những ghềnh đá thấp hoặc tiếng nước dập dồn như giận dỗi nơi thác Gougah; rồi tui cũng quay ngược dìa con đường 20 để trở lại Đà Lạt của chú qua những rừng thông trùng trùng bên tiếng thác Prenn nơi cách cây số 13 không xa lắm. Đà Lạt của chú tui nhớ chừng đó của những năm cách nay có hơn bốn chục năm rồi, chứ có mau mắn gì đâu. Nên nay nghe nói Đà Lạt đã thay đổi nhiều giống như tui với chú hồi nào lúc chú mới mười lăm tuổi, chú xuống làng Tân An, quận Tân Châu (Châu Đốc) để được coi người ta kéo bò bắt cá dễ như chơi mà nay có lẽ tuổi đã nhiều, tóc lại hoa râm hơi bộn, và nhứt là tui thì ôi thôi tóc đã bạc mái đấu lâu rồi chú Tư à !

Hồ Xuân Hương, Đà Lạt (Nguồn: Wikipedia)

Giờ xin trở lại mùa màng một chút nhe chú Tư. Thi sĩ Quách Tấn trong một lá thư hồi âm nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ông có viết:”Làm một bài thơ viết một tập văn mà được người biết rõ chỗ sở đoản sở trường của mình, là toại nguyện. Có được thêm nhiều tri âm, càng quí; bằng chỉ một Chu lang, cũng đủ rồi.”(1) Thành ra, chú có ý viết một bài về cuốn sách cho thiệt “bảnh” như chú dự định, đã là qúi rồi; thế rồi vì bận rộn nên chú không viết được và nay thay vào đó, chú viết lá thơ ngắn gọn này tui thấy lại càng quí hóa nhe chú Tư, vì văn hay chẳng nệ vắn dài chú Tư à, dù ngắn nhưng miễn sao nó gói trọn một chút lòng của chú trong đó “cũng đủ rồi” vậy.

Rồi chú kể tiếp việc mê chim:

“Mà nói em mạng Thủy chắc cũng không đúng hẳn. Em cũng mê chim lắm anh à. Chim gì em cũng kết hết. Lúc nhỏ, mỗi năm em được về Sài Gòn một tháng. Em có mặt ở chợ Đũi, có người còn kêu bằng chợ Chó, đúng 30 buổi sáng để coi chim. Coi thôi, chớ không có tiền mua và em có thể đứng coi vài tiếng đồng hồ mỗi ngày như vậy cho tới khi đói chịu hết nổi mới về. “Kiến thức về chim” của em giới hạn chỉ có ở chợ như vậy nên đọc sách của anh xong em mới biết Pelican là Bồ Nông. Bữa trước, cho con gái đi câu, thấy nguyên một bầy Bồ Nông từ trên trời đáp xuống hồ, em nói với nó đó là chim …. Chàng Bè! Thiệt là hết thuốc chữa.”


Chú Tư,

Nghe chú kể sơ sơ cái cảnh mê chim cá của chú lúc chú xuống Sài Gòn ghé lại chợ Đũi coi chim, tui cũng nhớ có lúc tui cũng mê chim cá như vậy. Tui cũng có lúc ra chợ Cũ (Sài Gòn), chỗ đường Hàm Nghi, nhìn người ta bán gà tre, chích chòe lửa, manh manh, áo dà, cưỡng, nhồng quên đói bụng luôn. Còn chim “thằng bè” hoặc có chỗ kêu là chim “chàng bè” như chú nhắc, là chim chân vịt, lớn con hay thả trên mặt nước(2); loại chim này làm ổ trên cây, thân lớn nặng tới 10 kílô, hai cánh dang rộng tới 2 mét, lông xám mốc, chân ngắn, có màng da liền như chân vịt, đầu nhỏ, mỏ lớn, phần dưới mỏ có túi đựng cá. Riêng loài bồ nông tương tự như thằng bè, màu lông của nó cũng xám nhưng hơi đậm hơn, đôi chân cao hơn, và đặc biệt hai chân bồ nông không có lớp màng chân vịt như thằng bè.”(3)
Sau cùng chú lại hứa sẽ chỉ cho tui cách thả câu ống:

“Thôi em stop anh nha. Bữa nào dia kinh xáng em chắc phải ghé lại anh nhậu lai rai một bữa, bàn thêm về chuyện chim chuột, cho nó đã. Em cũng sẽ “chỉ” cho anh cách câu ống, để câu cá lóc của dân Đà Lạt.

Nghe chú hứa mà tui có lòng trông. Hồi xưa lúc vô rừng tràm, có lúc tui cũng mê thả câu ống dữ lắm. Hổng biết cách thả câu ống dưới rừng tràm này có giống cách câu ống của chú trên Đà Lạt hông; tui xin kề sơ sơ: Người ta lấy mấy cây sậy lớn bằng ngón chưn cái, rồi cắt ra làm nhiều đoạn, mỗi đoạn dài chừng bốn hoặc năm tấc và dùng mác bén vót hai đầu ống sậy thành hình chữ “U” để khi mình cuốn nhợ câu vô hai đầu ống sậy nhợ câu không bị vuột ra ngoài làm câu bị rối. Xong xuôi đâu đấy, lúc bấy giờ người ta mới lấy nhợ câu có tóm sẵn lưỡi câu buộc vào giữa ống sây; nhợ câu này dài khoảng bốn hoặc năm tấc tùy theo muốn thả bắt cá nơi sâu hay nơi cạn. Sau đó, mới móc mồi trùn vào lưỡi câu và cuốn nhợ câu như tôi vừa trình bày ở trên. Tất cả các ống câu này bỏ vô trong một cái tuí làm bằng bao cát và mang lên vai, rồi mình cứ đi dọc theo lung vũng nào mình muốn thả câu thì chọn nền rồi vạch lỗ trống, tháo lưỡi câu ra và để nhẹ ống câu xuống chỗ mình mới dọn nền; rồi cứ đi chọn chỗ và bỏ ống câu kế tiếp như vậy cho đến khi nào hết câu thì lên bờ rửa chưn chuẩn bị ra dìa. Đợi sáng hôm sau trở lại thăm và cuốn câu mang dìa. Nếu nơi nào nhiều cá, cá dính nhiều lắm, quảy cá biết nặng. Nhưng cũng xin nhắc một điều là để tránh trường hợp các ống câu dễ bị thất lạc, mình nên thả câu theo từng vạt đất, để khi thăm hết vạt đất này rồi, mình qua thăm vạt đất kế; bằng không, cứ gặp đâu mình vẹt lỗ bỏ ống câu tùy hứng, không theo thứ tự các vạt đất thì chắc chắn câu sẽ bị lạc mất dữ lắm.

Thường thường thả câu ống chỉ thả các nơi nước hơi cạn, nên người ta hay đi bộ, ít đi xuồng. Thả chỗ nước cạn có cái ý là cá thường hay lên chỗ cạn kiếm mồi và gặp mấy ống câu này có mồi ngon chúng ăn liền hổng sợ ai bắt mình, cá dạn ăn lắm. Và rồi, cứ thế ngậm mồi vô miệng, thấy êm êm cũng chưa sao, mấy anh chị cá này mới nuốt mồi một cái ực rồi cứ lôi ống câu đi lòng vòng trong cái lỗ trống ấy, không thoát đi đâu được vì nước cạn không lôi ống câu đi xa; vả lại chung quanh là cỏ lác mịt mùng nên cứ thế mà nằm chờ người ta tới vớt ống câu lên lượm cá mang dìa. Cá bắt bằng cách này mau ăn và chắc ăn nhưng cũng dễ bị cá sẩy và cá chết.

Cá sẩy vì khi chúng dính câu và bị lưỡi câu làm đau cái miệng, chúng vùng vẫy dữ lắm, và cố hết sức bình sinh lôi ống câu đi; càng lôi lại càng vướng vô cỏ, càng vướng vô cỏ cá lại càng lôi cho đến khi nào lưỡi câu bị sứt mới thôi. Thế là cá thoát khỏi lưỡi câu và cá sẩy bao giờ cũng là cá lớn là do vậy. Còn cá nhỏ yếu sức, nên vùng vẫy chừng vài bận là đành chịu trận chờ người ta bắt mang mình bỏ vô rộng mang dìa nhà muốn làm gì thì làm, đem ra chợ bán cũng được, bỏ vô nồi kho khô cũng được, mà bắt chảo chiên xù cũng được ráo trọi. Cá nằm trên thớt rồi thì muốn khứa mấy khứa thì cứ việc khứa chứ biết chạy đằng nào bây giờ. Phải thế hông chú Tư ? Còn cá chết là do khi cá quậy để thoát, nếu không thoát được có khi quấn vô cỏ một nùi và nhợ câu bị thắt gút lại và cá khó trườn lên mặt nước để thở nên cá hay bị ngột vì vậy. Hổng biết cách thả câu bằng  ống sậy này nơi vùng sình lầy miền Tây tui có giống cách câu ống trên hồ Xuân Hương của chú hông chú Tư?

Xin có mấy hàng hồi âm cùng chú Tư như một lời cảm ơn chú còn nhớ người già cùng mùa màng nơi thôn quê mấy chục năm qua mà nay ít ai còn nhớ vậy. Kính chúc chú thím  cùng quý quyến vạn sự như ý…

Kính thư,

Hai Trầu


Cước chú:

1/ Thư đề ngày  24-10-1974, Nguyễn Hiến Lê gởi cho Quách Tấn có ghi các nhận xét về bản thảo cuốn Hương Vườn Cũ của Quách Tấn; và thư hồi âm của Quách Tấn ngày 29-11-1974 có ghi như câu vừa dẫn, trong cuốn “Những bức thư đầm ấm”, nhà xuất bản Tổng Hợp (SaiGon Média), năm 2003, trang 102. Ngoài ra, “Chu lang”, trong sách có chú thích: “ Chu lang: ý nói Chu Công Cẩn, tướng nhà Ngô đời Tam quốc”
2/ Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, của Huỳnh Tịnh Của, nhà xuất bản Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Sài gòn, năm 1895, nhà Văn Hữu tái bản năm 1974, trang 369.
3/ Theo Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, năm 2007, trang 290.




Thử phác họa chân dung một thường dân

Đoàn Nhã Văn

Biến cố 4/1975 khởi đầu cho một cuộc di dân vĩ đại có một không hai trong lịch sử Việt Nam, với hằng triệu người đã ra đi, bằng nhiều cách khác nhau, suốt nhiều năm dài. Trong số đó, có ông. Từ một người lính, làm một lưu dân, rồi ông cầm bút, dù thừa biết rằng, sách bút không nuôi sống được ai. Những năm đầu 1980’s, ông có hai tác phẩm: “Măng Đầu Mùa” (in chung với Võ Hoàng) và “Cuộc Chiến Chưa Tàn”. Bẵng đi một thời gian khá lâu, độc giả không thấy ông viết truyện ngắn nữa mà chuyển sang viết bình luận thời sự và chính trị, những bài viết đẩy tên tuổi ông đi xa hơn. Từ đó đến nay, hầu như những người còn đọc sách báo Việt Ngữ, quan tâm đến thời cuộc, đặc biệt là những công-dân-mạng, ngoài nước, dường như không ai không biết đến tên ông.

Biết tên ông, nhưng ông là ai? Nếu hỏi thẳng, vào thời điểm này, biết chừng, ông sẽ cho chúng ta một câu trả lời thú vị. Nhưng thôi, hãy nghe ông nói chút ít về mình, từ những ngày xa xưa lắm: “hồi nhỏ đi chơi, đi học, lớn lên đi lính, đi tù… (CS), ra tù lang thang, vượt biển đến Mỹ, làm báo Nhân Văn.” Hỏi thêm: đi lính ra sao? Ông bảo: “Tôi rất hay quên đội nón, quên cài nút áo, quên gôm ống quần. Toàn là những thứ quên lãng hợp lý nhưng lại không được chấp nhận ở đời sống quân trường. Tôi thích nhìn nắng chiều hay nắng sớm lao xao trên những hàng cây nên đôi khi còn quên chào luôn cả niên trưởng.” (Thằng lính bạc tình)

Thì ra, ông từng là một anh lính thuộc loại … ba gai.

Hỏi thêm: ông còn nhớ gì về lính, sau nhiều năm định cư tại Mỹ? Trả lời “Cái thứ người như tôi cứ mỗi lần nhậu xỉn mới chợt nhớ ra mình đã từng là lính, mới ba hoa về những năm tháng tù đày, mới khề khà luận bàn đến tình chiến hữu, về chuyện đấu tranh… này nọ. Tỉnh ra tôi lại lút cút đi làm, lại sống như mình chưa hề là lính, chưa từng có thằng vì tôi mà bỏ mạng, chưa có đứa đã chí tình dặn dò tôi lo chuyện quang phục quê hương. Lính có năm bảy đường, năm bẩy thứ. Cái thứ như tôi ngó bộ hơi kỳ và cũng hơi nhiều.” (Thằng lính bạc tình)

Rõ ràng là lối trả lời.. ba búa.

Tuổi trẻ mang tính ba gai, tuổi già lảng bảng chút ít ba trợn.

Có người gọi đó là tính cách của ông. Tôi chưa từng gặp, nên không biết cái mà người ta “nói” về ông, đúng hay sai. Nhưng rõ ràng, khu rừng văn chương của ông chẳng giống ai.

Trước tiên, nội cái tên “sổ tay thường dân” đã là một cái hổng giống con giáp nào! Người ta quyền cao, chức trọng, là ông lớn, là quan to, là chủ bút, chủ báo, chủ biên, chủ nhiệm, chủ tịch, chủ nợ, v.v., mới cần một cuốn sổ để ghi chép, để ghi nợ, để viết xuống những ý tưởng sẽ được trình bày trước công chúng. Đằng này, là một …thường dân, không quyền thế, (và có lẽ) nghèo tiền bạc, vậy mà cũng như ai, kè kè một cuốn …sổ tay! Nhưng điều đáng nói: cuốn sổ tay này (hơi bị) “nặng ký”. Không phải nặng theo tính chất vật lý, mà là nặng bởi một tấm lòng. Tấm lòng đó, đồng cảm với người, ấm áp với đời. Vì thế nó lôi cuốn bạn đọc.

Thực ra, cảm động bởi một tấm lòng, chỉ là một bước khởi đầu. Quyến rũ người đọc trên ngần ấy trang viết, tất phải bắt nguồn từ một rung động lớn: một bản lĩnh nghệ thuật được dàn trải trên từng trên viết. Trong văn học nghệ thuật, ý tưởng không làm nên sự khác biệt giữa nhà văn. Chính bản lãnh nghệ thuật mới làm nên điều đó.

Sổ tay thường dân (STTD), trước hết, là tập hợp những bài viết nặng lòng với quê hương, những bài bình luận đặt trọng tâm vào tình người, và sau nữa, là những trang viết bám sát từng biến chuyển của thời cuộc tác động vào đời sống của những người dân thấp cổ, đang còng lưng sống nốt những tháng ngày còn lại trên mảnh đất hình chữ S. Cái tâm thế mà ông đặt vào trong từng bài viết của mình là tâm thế của một người con, lìa xa đất tổ, nhưng lòng vẫn đau đáu nhìn về bên kia biển lớn với một ước vọng khá nhỏ nhoi: làm sao cho dân tình đỡ khổ, làm sao cho người đối với người ngày một tử tế hơn. Trong cái ước vọng đó, ông dị ứng với những bản báo cáo nổ như pháo, những lời tuyên bố nghe rất là rổn rảng, những con số thống kê đầy dấu chấm hỏi.

Viết về một thể loại như thế, bàn về nhiếu vấn đề khô khan, thường dễ làm người đọc nản lòng ở những bài viết tương đối dài. Cho nên, ông đã chọn cho mình một con đường đi riêng biệt. Ở đó, trên từng trang sổ tay, luôn luôn ẩn hiện những chất hài, pha lẫn những nghịch ngợm, không phải cái nghịch ngợm nổi loạn của tuổi 15, 17, mà là một thứ nghịch-ngợm-ngầm, chín mùi, đọc lên, nghe nó đi thấu vào tận ruột gan, đã thiệt là đã. Có nhiều lúc, ẩn hiện cái tếu táo của một anh chàng vui tánh. Dùng chất hài trong những bài viết có tính chất nghiêm trọng là nhằm kéo cái khô khan, chán ngắt xuống gần với đời thường, để mọi người có thể thưởng ngoạn một cách dễ dàng hơn. Ở những điều mà người khác cho là to tát, vĩ đại, sổ tay của ông đơn giản hóa, làm cho nó thực hơn, sống động hơn, và nhất là “đời” hơn. Trong ý nghĩa đó, không ít lần ông mai mỉa những nhân vậït lớn, thét ra lửa, bằng chính những bản báo cáo hay những tác phẩm của họ.

Hãy nhìn thử ông viện sĩ Nguyễn Chơn Trung, trong nước:

Sau đây là báo cáo của Viện Sĩ Nguyễn Chơn Trung, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt ở Nước Ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh:

“Năm 2004 cả nước có khoảng 3,3 tỷ USD kiều hối, riêng TP. HCM đạt 1,8 USD… đó chỉ mới thống kê theo đường “chính ngạch” qua ngân hàng, chưa kể kiều hối về nước bằng những con đường khác nữa. Tiềm năng của Việt kiều rất lớn. Nếu tính xuất khẩu dầu lửa, xuất khẩu gạo của Việt Nam, cả năm phải dùng nguồn lực toàn dân mới đạt gần 2 tỷ dolar. Trong khi đó, với số lượng kiều hối đổ về quê hương, chúng ta có được 3,3 tỷ dollar. Tiềm lực này nếu bị bỏ quên là điều đáng tiếc.”

Không biết cái viện (thổ tả) nào đã sản xuất ra cái loại viện sĩ, như Nguyễn Chơn Trung. Ông ấy thường hay nói chữ, và nói (rất) ngu. Mấy tỉ Mỹ kim tiền tươi (đổ về ào ạt hàng năm) mà thằng chả kêu bằng “tiềm năng” và “tiềm lực”, Giời Đất ạ!” (Hát Xẩm)

Và đây, một tác phẩm của một nhân vật (hơi) lớn khác.

Tác phẩm duy nhất mà tôi thực sự tâm đắc, vào thời điểm đó, là Hổ Chí Minh Toàn Tập – dù tác giả viết nhiều đoạn hơi (bị) dở. Thí dụ như: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển.”

(Giời ạ, mặt trời chứ bộ mặt trận sao mà đòi lấy lực lượng ra ngăn trở. Tương tự, có cái lực lượng mẹ rượt nào mà ngăn trở được loài người tiến lên, cha nội? Viết như thế mà cũng bày đặt cầm bút).

Ngoài những lỗi lầm nho nhỏ không đáng kể như thế – về nội dung – phải nói đây là một công trình đồ sộ, rất đáng đồng tiền bát gạo. Sách rất dầy, giấy in rất tốt, giá rất rẻ, và (rất) được những bà hay những cô bán hàng rong ưa chuộng. Họ cần giấy để gói, hoặc để chùi; còn tôi, tôi cần một phần ăn – nhiều hơn số tiền túi mình có thể mua. Do đó, dù có đói thảm thiết tôi cũng chả bao giờ (dại dột) xà ngay xuống mẹt xôi hay mẹt bánh. Tôi luôn chịu khó đi lòng vòng mua sách, rồi mới mang đổi lấy thức ăn – cho đỡ khổ cái dạ dày!” (Tô Hoài và Ba người khác)

Ông đọc nhiều, bám vào thời sự trong nước từng ngày, tinh tế nhìn quanh đời sống. Ông bao quát chuyện “lớn”. Ông đi sâu vào chuyện nhỏ. Chuyện “lớn” ông dí dỏm theo kiểu lớn. Cái nhỏ, ông hài hước theo kiểu nhỏ. Nhưng dù nhỏ hay lớn, mâm nào có ông, mâm đó được nhiều người biết đến.

Chuyện lớn, như chuyện đi vào văn học sử, ông dũa te tua những kẻ đi quá giang trên chuyến tàu quá tải, một cách mờ ám. Ông bình về những cái tuyên cáo trên những tờ báo lớn trong nước. Ông luận về những lời lẽ “có cánh” của những quan lớn một thời như: Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải v.v., một cách rất có “duyên”, để người đọc thấy được bề mặt khác của những tuyên bố hùng hồn. Ông đi đến gần như tận cùng cái đau của người dân khi hứng chịu những cái ác từ những người không tử tế, từ sau 1975.

Chuyện nhỏ, ông viết về con chim sẻ, chim ri, củ khoai, củ sắng, cây vú sữa miền Nam, cái bia tưởng niệm, cuốn băng nhạc, đôi dép, cái mũ. Lớn thêm tí xíu, ông viết về con đò, cái nghèo, cái đói v.v.

Cứ lấy một chuyện nhỏ thử coi, chuyện cái mũ, đôi dép, chẳng hạn.

Những gia đình đông con thường nghèo, và những gia đình nghèo thường … đông con. Nghèo, tất nhiên, đi cùng với khổ. Khổ nhất là anh em phải mặc áo quần của nhau, người Việt gọi là mặc “khính”, cứ đứa lớn mặc chật thì đứa kế sẽ mặc tiếp.

Mặc quần áo cũ đã phiền, đi dép cũ hay đội nón cũ còn phiền hơn nữa, nhất là dép râu và nón cối. Loại nón này xuất hiện cùng luợt với chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, như một biểu hiện cho … tai họa, và sự khốn cùng của người dân – ở sứ xở này.

Một cái nón cối mới tinh (đội) trông đã chả giống ai. Chơi một cái đã cũ, bẩn thỉu, và bạch phếch màu lên đầu thì kể như là hết thuốc! Đã có mấy thế hệ người Việt phải đội những cái nón cối (thổ tả) như thế, trong suốt cuộc đời không may của họ”( Thôi bỏ đi Tám (Bis))

Viết ngắn mà thấm. Nói ít mà đau.

Lấy thêm một ví dụ nhỏ nữa, về cây vú sữa, chẳng hạn.

“Hồi đó, cô bảy chỉ mới 14 tuổi. Cô kể: “Khi các chú với tía mang balô lên Vàm Chắc Băng tập kết, mẹ gọi tôi vào nói: Tụi nó đi mà không có gì gửi cho Cụ Hồ. Mày chạy xuống nhà ngoại bứng về cho má cây vú sữa gửi cho Cụ nhanh lên!”

Chẳng ai trả lời được câu hỏi tại sao mẹ Tư lại tặng cây vú sữa mà không là cây khác.”(Con ở Miền Nam Ra thăm lăng Bác)

Gần đây, 2004, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Cà Mau có quyết định cho xây bia tưởng niệm cây vú sữa. Xem thử ông nghỉ gì về cái quyết định này.

“cái quyết định của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau, về chuyện “cho xây bia tưởng niệm cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”, là có vẻ hơi nặng phần trình diễn. Tưởng gì chớ mộ bia, và bằng khen thì “những gia đình có công với cách mạng” – Bắc cũng như Nam – đâu có thiếu. Nhà nào mà sau vườn không ngổn ngang bia mộ liệt sĩ, và trên tường không treo (tá lả) cả đống bằng khen thưởng.” (Con ở Miền Nam Ra thăm lăng Bác)

Cái “duyên” ngầm của ông nằm trong nét hài, giễu cợt những thứ mà ông thấy ứa gan. Từ tếu táo ông đi đến cà khịa, khi cần. Nhưng phải nói rõ hơn, ông sẵn sàng cà khịa với những “cái gọi là” viện này, ủy ban kia, “ba người khác”, rồi (lại) ba người khác nữa v.v…. Nhưng đằng sau cái cà khịa tới cùng đó, là một tấm lòng xót xa với những người … thường dân. Đó là những ông lão đưa đò ở miền Trung, những em thơ bị “ba người khác” và đồng bọn giành lấy những phương tiện tối thiểu để đến trường (như chiếc thuyền máy được nước ngoài viện trợ), những đau khổ bị chèn ép của những người dân tộc v.v. Những người mà ông chia sẻ, xót xa chính là những người thấp cổ, bé miệng trong một xã hội mà luật lệ mọc lên một cách (hết sức) vô thứ tự như cây rừng, nên đến khi cần dùng luật, họ lấy luật rừng ra xử. Chẳng hạn việc tòa án xử ông lão chèo đò trên 80 tuổi, trong vụ chìm đó ở bến Chôm Lôm.

Theo báo chí trong nước tường trình:

“Chủ tọa Vũ Thanh Liêm hỏi: “Biết mình già yếu, tuổi đã cao nhưng tại sao ông vẫn còn chèo đò. Lúc đó ông có biết đã vi phạm pháp luật vì không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy không?”. Ông Nghĩnh đáp: “ Tôi gắn bó với sông Thu Bồn từ nhỏ. Già cả rồi nhưng nghĩ tới hột lúa hột gạo nên phải làm. Cả đời tôi không đi ra khỏi làng, làm sao biết quy định của pháp luật được.”
Cũng theo báo chí trong nước thì “Cả bản Chôm Lôm như chết lặng trong tiếng khóc thương. Nghĩa trang của bản đã phủ thêm 13 vòng hoa trắng. Nhiều em không thể có nổi tấm ảnh thờ, gia đình phải dùng sách vở, giấy khen để làm di ảnh.”

Vậy ông bình luận thế nào về vụ này?

“Ở một nơi mà những cụ già đến tuổi tám mươi vẫn phải làm việc mưu sinh, và những đứa bé suốt thời ấu thơ chưa bao giờ có được cơ hội chụp một tấm hình, mà đòi hỏi ông lái đò phải có giấy phép hành nghề, và khách đi đò phải có phao an toàn là những biện pháp …”khắc phục” (nghe) rất …viễn vông!” (Chuyện từ những chuyến đò ngang)

Nhưng chưa hết:

“Giá mà ngày trước Bác (giai) đừng đi linh tinh (tìm đường cứu nước, và chung chạ tùm lum) thì mọi chuyện – không chừng – đã khác, và đã khá. Cứ ở lại quê mình với bác gái, một vợ một chồng – sớm tối có nhau – không có sức vóc làm ruộng thì nuôi gà, nuôi vịt, đan lát quàng qué kiếm thêm (có lẽ) cũng không đến nỗi nào. Được thế thì bây giờ gia tộc cũng đỡ mang tiếng xấu và tỉnh nhà (chắc chắn) đã có một chiếc cầu ngang, qua bến Chôm Lôm. Còn những công dân lão hạng khắp mọi nơi (như ông Võ Nghĩnh) cũng sẽ đều được nằm chết ở nhà mình – thay vì ở nhà … tù, vì tội đưa đò – khi đã quá tuổi tám mươi.” (Chuyện từ những chuyến đò ngang)

Ông viết vậy nên “chúng” ghét là phải.

Viết STTD, ông viết bằng tâm thế của một người đúng về phía yếu, về phía nạn nhân, về phía của nước mắt, nhưng rõ ràng không phải là nước mắt của “mẹ mìn”. Chọn cho mình một thế đứng như thế là thách thức, là tuyên chiến với cái ÁC. Lựa chọn như vậy, nên ông đau nỗi đau của người dân nghèo xứ thượng, ông nghe đắng chát nỗi niềm của những ông lão chèo đò, ông xót xa cho những em thơ thiếu điều kiện đến trường….

Cái nghèo đói sao mà cứ đeo đuổi theo họ suốt đời. Sống ở thôn quê, ruộng đồng, sông nước, cái nghèo cứ quấn quýt một bên. Làm sao để khá hơn? Đêm nằm vắt tay lên trán, nghĩ mãi chẳng ra. Nhà nước luôn khuyến khích mọi người triển khai kế hoạch: vườn-ao-chuồng, để góp phần phát triển đất nước. Vườn (thiệt tình mà nói), những người thường dân … thua, vì họ làm gì có đủ đất để mà làm vườn. Đất thuộc về người khác! Còn nuôi, trồng để phát triển? Biết nuôi con gì, biết trồng cây gì để mà “xóa đói giảm nghèo”. Mà có nuôi, có trồng thì cũng phải có tiền. Nghèo quá, ai cho vay. Cái khó bó cái khôn. Cái vòng luẩn quẩn như con gà và cái trứng cứ đeo đuổi họ suốt đời. Phải chi họ có “chút ít” như cán bộ, họ sẽ biết trồng cây gì và nuôi con gì ngay. Có lẽ, cũng bắt chước như “người ta”, họ sẽ trồng cây “xăng” và nuôi con “cave” để lên nhà lầu, để tậu xe hơi.

Đó là những tiếng cười thầm, chua xót. Đó là những giọt nước mắt khô, lăn dài, trong một thời đại “thổ tả”.

Từ một người thường dân, đứng bên này biển mà nhìn về bên kia (chứ ông chưa đi hết biển), nghe từng nhịp tim đập với thế thời, ông vui sướng, biết có những nhà yêu nước, bất chấp hiểm nguy, đòi quyền sống, đòi quyền làm người cho những thường dân trong nước. Ông viết về họ như góp thêm những ánh lửa nhỏ cho một ngọn đuốc lớn. Ông viết về họ, như trải lòng mình ra (và như ngã nón chào) những người dám vì người, quên mình. Những dòng chữ của ông vì thế mà lấp lánh. Lấp lánh một tấm lòng.

Nhiều người cho rằng: trí thức là những kẻ biết đặt câu hỏi “tại sao” trước những điều xảy ra trong cuộc sống. Và hơn thế nữa, “họ” là những người biết đặt câu hỏi ngược lại những điều mà người khác có thể cho là chân lý. Đặt câu hỏi như thế là nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhằm soi rọi những ẩn khuất của cuộc sống. Tôi chưa từng nghe ông tự nhận mình là trí thức, khoa bảng. Vậy mà, bất cứ số sổ tay nào, ông cũng lật đến cốt lõi của từng vấn đề. Ông đề cập một cách nhẹ nhàng, mà thâm sâu. Ông đào xới, xóc tung từng điểm, ngay cả những điểm hết sức nhạy cảm, một cách không khoan nhượng, mà không hề sắt máu. Ông lộït mặt nạ những con thò lò, vạch mặt những kẻ láu cá một cách thẳng thừng mà lại rất ngoạn mục.

Có một nét đặt biệt ông thường dùng trong câu văn, là những dấu ngoặc đơn. Với nhiều nhà văn khác, thành phần trong dấu ngoặc đơn thường là thành phần phụ, dùng để giải thích hay thuyết minh một điều gì được nói trước đó. Với ông, không là thế. Mà nhiều khi nó lại là cái cốt lõi của điều ông muốn nói. Nó tạo nên cái nét tinh quái trong chữ nghĩa của ông. Cứ đọc những đoạn trích dẫn để thấy cái đắc địa của những chữ ông bỏ trong ngoặc đơn.

Và, hơn thế, ông thường đẩy vào trong cái trong cái ngoặc đơn ấy, một từ mà ông (lấy làm) thích thú: “thổ tả”. Cái viện (thổ tả), cái nón cối (thổ tả), loại nhạc (thổ tả), chính sách (thổ tả), thời đại (thổ tả)… Cái gì mà ông thấy chướng tai gai mắt, cái “món hàng” ấy sẽ được xếp vào loại (thổ tả) này ngay. Công bình mà nói, không phải cái (thổ tả) nào cũng đạt được điều ông muốn diễn đạt.

Còn nữa, thỉnh thoảng ta nghe ông phán một tiếng: Mẹ rượt. Đó là tiếng chửi đổng của miền Nam. Ông phải xổ … nho như thế, vì bực mình khi đọc hay nghe phải những lời nói có cánh nhưng (rất là) ngu, như ông thường nói. Phải xả nó ra, để khỏi phải bực bội. Xong xuôi, lại phải giải thích cho … thằng chả đó nghe. Tánh ông là thế. Chẳng hạn: “Bỏ cái thành kiến mẹ rượt đi mấy Tám”, hay “ Có cái lực lượng mẹ rượt nào mà ngăn trở được loài người tiến lên, cha nội?” v.v.

Diễn tả nét đẹpï, của văn chương cũng như của một người con gái, dễ hơn diễn tả cái duyên ngầm. Để “thấy” cái duyên, lắm lúc cần phải đối diện. Nghe người khác thuật lại, cái duyên đó đã mất đi nhiều phần. Cái duyên trên những trang viết của ông cũng thế. Để thưởng thức, nó đòi hỏi người đọc phải trực tiếp đọc nó. Để thấm!

Viết về thời sự, chính trị, vạch mặt cái ÁC của thời đại, bằng một giọng văn hóm hỉnh, pha chất hài hước trên từng trang viết, giễu cợt một thời đại thổ tả, cà khịa với những bản mặt táo bón, tếu táo với những ông bạn của dân, mỉa mai những lời “có cánh”, từ trước tới nay, trong làng văn, báo, khu rừng này dường như chưa có người khai phá. Vì thế, trái núi mang tên ông, Tưởng Năng Tiến, là một trái núi đơn.

Đoàn Nhã Văn
2007

 

TÔI SẼ BIẾU ÔNG


(nhân đọc bài phiếm luận Mùa Xuân Nhớ của Tưởng Năng Tiến)

Tưởng Năng Tiến viết câu chuyện phiếm
Hình như ông định tiếm ngôi vua !
Văn chương ông viết đùa đùa
Mà rồi chết mẹ cụ Hồ Chí Minh !
Đang nói tới chữ Tình chữ Nghĩa
Lại luận về chữ Lễ chữ Nhân
Tự nhiên ông nói đến dân
Ông “chơi” thằng Mạnh, ông “mần” thằng Lương
Thủ đoạn ấy cao cường rất mực
Bọn Cộng con cứ đực mặt rùa !
Thằng nào mà chẳng chịu thua
Đang đi đường thẳng, ông cua đường vòng
Ông nhắc đến nào ông Võ Phiến
Rồi ông lùi, ông tiến tự do
Ông không búa lớn đao to
Rù rì rủ rỉ Cộng co cả vòi
Ông thực quả là nòi Tú Xuất *
Cụ Trạng Quỳnh cũng uất vì ông
Nếu như mai mốt thành công
Ông về tôi biếu cờ hồng chùi chân

* Ba Giai Tú Xuất
Sài Môn Lý Thu
2/2003



Từ bàn viết của… Lê thị Huệ

 

Lúc đó, tôi vào độ tuổi ngoài ba mươi.

…………

Cuộc gặp gỡ ẩy xảy ra trong một buổi tối hoàng hôn ngày hè êm dịu ở San Jose. Tôi mặc một chiếc váy hái hoa mỏng manh phất phơ, trang điểm điệu nghệ nhởn nhơ xuân thì, lái xe một mình đến địa chỉ của một nhà in nho nhỏ rất văn nghệ Việt Nam dưới phố San Jose.

Khi tôi mở cái cánh cửa thì thấy một bầy mấy tên đàn ông đứng lô nhô sau cái quầy gỗ theo nhòm tôi từ từ đi vào. Nhìn lên cái đám đàn ông xôn xao ong bướm đó, tôi đụng cái cốp ngay khuôn mặt đáng yêu của một cố nhân của tôi. Tôi không ngờ là kể từ ngày tôi rời bỏ New York có mấy tháng chung sống thơ mộng về lại San Jose, cố nhân cũng bỏ lớp bỏ trường Columbia đi lang bạt Cali, Hawaii năn nỉ mấy tôi cũng nhất định không ngoảnh mặt lại. Vậy mà giờ đây bất ngờ gặp hắn tại nơi này. Chỉ nhìn thấy cố nhân tối hôm ấy không, cũng đã đủ làm cho lòng tôi giao động. Nhưng tôi cũng rán nhìn lên điểm mặt ngoài hắn ra còn những ai. Tôi chỉ nhớ ngoài anh Thủy ra có ba tên nữa. Tên cao lồng ngồng không thể lẫn vào đâu được là Tưởng Năng Tiến. Tên thứ hai thì đã có lần đi uống cà phê chung là Hoàng Phủ Cương. Còn tên thứ ba thì tôi biết tỏng đấy là Võ Hoàng.

Dĩ nhiên cố nhân của tôi thì cười mỉm rạng ngời vì biết trước sau gì cũng sẽ bắt chẹt được tôi sau khi tôi công tác với ông chủ nhà in về quyển sách. Con người chào hỏi tôi vồn vã nhất lúc đó là Tưởng Năng Tiến. Rất ư là lịch sự và nhẹ nhàng, Tưởng Năng Tiến một chị Huệ hai chị Huệ ngọt ơi là ngọt. Đó là cái cảm tưởng lần đầu tiên tôi gặp Tưởng Năng Tiến. Y nhìn thì biết mình làm sao là chị Hai của y được. Nhưng Tưởng Năng Tiến có cái khí hậu trò chuyện khéo léo nghệ thuật thiệt là trớ trêu với tướng mạo ngang tàng và một giọng văn sòng phẳng sắc sảo chinh phục độc giả. Đúng là điển hình một thứ đàn ông văn nghệ sĩ có nhiều bẫy ngầm.

……

Thuở ấy Võ Hoàng và Tưởng Năng Tiến đang là một đôi văn sáng như sao trên vòm trời văn học hải ngoại. Tập chuyện Măng Đầu Mùa của Tưởng Năng Tiến và Võ Hoàng là một ngọn hải đăng trong đám những nhà văn trẻ hải ngoại đầu thập niên 1980. Không biết ở đâu ra mà có một đôi bạn văn sáng sủa như vậy. Tự nhiên xuất hiện đôi song ca có một lối viết hết sức thân mật với đời sống. Đó là cách viết rất văn chương di truyền lớn lên trong nước Việt Nam Cộng Hoà của hai ông Ngô Đình Diệm và Nguyên Văn Thiệu. Cách viết của những con người yêu văn chương, phơi phới tình người, và rất hào sảng cho văn chương và đời sống những tiếng nói róc rách trong tác phẩm. Cái cõi văn chương rất thoải mái chia sớt tận tình với đời đó không thể nào kiếm thấy ở những con người lớn lên ngoài Miền Bắc áp bức nghẹt cầu nghẹt đường đời Cộng Sản của Bác Hồ Chí Minh và bác Lê Duẩn. Lật những trang chữ của Võ Hoàng và Tưởng Năng Tiến đọc sẽ thấy khác những trang viết của Trần Đăng Khoa, Nguyễn Huy Thiệp. Chữ nghĩa của Tưởng Năng Tiến và Võ Hoàng chân hơn, sáng hơn, tự tin hơn, gần với con người quanh ta hơn. Trong khi chữ nghĩa của Nguyễn Huy Thiệp và Trần Đăng Khoa mánh hơn, đểu hơn, vẹo hơn, để luồn lèn lớn lên trong một xã hội mà cứ bốn người là có một anh công an dòm ngó. Hai cõi tác phẩm xiển dương hai thế sống khác từ nhừng xã hội mà hắn được nuôi dưỡng. Tuyên dương cõi này mà bỏ lơ cõi khác là hội chứng chậm tiến của hành trình tiêu hoá những tác phẩm.

…………


Lê Thị Huệ
Đêm 10/8/2001
(trích Võ Hoàng, nhà văn: Kẻ dám sống trước nhân vật)



Từ ngòi bút của… Trần Thị Bông Giấy

San Jose . Tháng 11/1988, một ngày…

Buổi sáng mở cửa nhìn ra sân để xe, thấy một túi nylon nhỏ đặt ngay thềm đá. Nửa ký xúc xích và lá thư viết nguệch ngoạc với nét chữ của Tưởng Năng Tiến đang nằm đó: “Thu Vân, hôm qua đến nhà, giở tủ lạnh thấy chẳng còn gì ăn, anh đem cho em và Trần Nghi Hoàng một ít xúc xích. Anh. TNT.”

Tôi đọc, rồi lại đọc lá thư Tưởng Năng Tiến giờ đã loang màu mỡ xúc xích. Tiếng chửi thề như một thói quen thân ái của anh văng vẳng bên tai.

Buổi sáng tháng 11 trời mù mây xám. Cơn gió mùa thu rít mạnh càng làm tăng cái khí lạnh của ngôi nhà. Lá thư viết có mấy chữ mà tôi tưởng như đọc hoài không hết. Trong lòng nghe dấy lên một tình cảm kỳ lạ. Thứ tình cảm mà giá trị của nó chỉ được xác định như thế nào khi con người lâm vào cảnh cùng khốn, thương đau.

San Jose . Tháng 2/1990, một đêm…

Trời lạnh. Đêm xuống nhanh. Quán sách Văn Uyển rực sáng ánh đèn vàng ấm. Chúng tôi ngồi tụ lại chung quanh bàn rượu được kê nơi vòng cung hành lang quán sách, nhìn ra ngã tư Số Hai và William bởi một bức tường bằng kính. Phía bên kia đường, các cô gái giang hồ và các chàng “pimp” đang lớn tiếng trò chuyện với nhau.

………………..

Cuộc rượu đêm nay -vẫn như những đêm khác trong thời gian này- gồm có Tưởng Năng Tiến, Trần Minh Quang, Như Hạnh (ở Boston qua chơi hai tuần, lưu lại nhà tôi), Long (em vợ Hà Túc Đạo mới từ Việt Nam sang, cũng đang ngụ tạm nhà tôi), Trần Nghi Hoàng và tôi. Trời mùa đông rất lạnh. Một chai Cour- voisier VSOP đã cạn rồi mà cái ấm vẫn chưa tìm đến. Tưởng Năng Tiến, nói tiếng Nam pha Bắc, dáng cao ngoằng, vẻ ồn ào ngạo mạn, bỏ cả hai chân lên ghế trong thế ngồi chồm hổm, quay sang nói với tôi:

“Nhiều năm rồi anh mới thấy năm nay lạnh hơn tất cả.”

Tôi cười:

“Lạnh thì đã hẳn nhiên. Ở Âu Châu, có năm em thấy nhiệt kế xuống đến trừ 25 độ C. Nhưng cảm được sự thú vị của một lần lạnh hơn thì em chỉ có thể tìm thấy ở Dalat.”

Tưởng Năng Tiến là người sinh trưởng tại Dalat. Anh yêu quí Dalat đến độ sẵn sàng nổi giận nếu có bất cứ ai nói về Dalat. Tuy nhiên với riêng tôi, anh vẫn tỏ ra e dè lịch sự –điều trái ngược với bề ngoài của anh- mỗi khi tôi đề cập tới thành phố mà tôi đã trải qua thời gian đẹp nhất trong đời.

Tôi nói tiếp với Tưởng Năng Tiến:

“Ở đây, cái lạnh mất đi phần nhiều thú vị chỉ vì nó không có sương mù như ở Dalat. Cái lạnh San Jose cũng khô khan như tâm hồn con người tại San Jose !”

Anh hỏi:

“Em có nghĩ rằng em đang chủ quan không?”

Tôi gật đầu:

“Có thể! Nhưng với em, không gian không quan trọng, mà là tâm hồn. Tâm hồn chủ động mọi cảm xúc con người chứ không là ngoại cảnh.”

……………………

Trần Thị Bông Giấy
( trích “Một Truyện Dài Không Có Tên” Tập 1. Văn Uyển 2004)




Phỏng vấn Luân Hoán với thi phẩm Hơi Thở Việt Nam

 

Trên tạp chí Nhân Văn số 50 tháng 7 năm 1987

 

Tưởng Năng Tiến (TNT): Như tựa của nó tập thơ vừa xuất bản của anh bàng bạt ‘hơi thở Việt Nam’, xin anh vui lòng cho độc giả biết có phải phần lớn những bài thơ này đều được sáng tác khi anh còn ở quê nhà không ?

Luân Hoán (LH): Bản chép tay HTVN được hoàn tất tại Đà Nẵng. Đây là tập thơ có số lượng đáng kể, nhưng vì không thể mang theo trong chuyến di cư thuộc chương trình ODP, nên lần ấn hành này chỉ vỏn vẹn 40 bài; được như vậy, cũng nhờ vào các con tôi học thuộc lòng cho một ít. Hy vọng sẽ có cơ hội ấn hành lần thứ hai với đầy đủ ‘hơi thở’ như bản chép tay còn đang ‘lang thang’ ở Sài Gòn.

TNT: Một số độc giả của anh, nhất là những người sinh sau đẻ muộn (như kẻ đang phỏng vấn anh chẳng hạn) chưa được hân hạnh đọc hết những thi phẩm của anh xuất bản vào cuối thập niên sáu mươi ở quê nhà, như Về Trời, Trôi Sông, Chết Trong Lòng Người… bởi thế, xin anh vui lòng cho biết có thay đổi nào lớn lao trong lời thơ và ý thơ của anh viết trước đây hai mươi năm và bây giờ?

LH: Chắc có vài thay đổi trong lời thơ, nhưng không lớn lao lắm. Thật sự tôi không mấy để ý đến vấn đề này. Một điều có thể ghi nhận vào những năm 1970-1975 tôi thường xử dụng thể thơ tự do. Có tập được thực hiện với hầu hết thể loại này như tập Viên đạn Cho Người Yêu Dấu, một tập thơ viết về đời sống Bộ Binh. Kể từ 1980 đến nay, tôi thích viết loại ‘năm chữ ’

TNT: ở trang 89, đoạn cuối của bài ‘Dặn Dò’, trong HTVN, chúng tôi có đọc được bốn câu như sau:
Còn ý chí chắc còn mạng sống/ còn có ngày phất phới ngọn cờ xưa/ nếu chẳng may hồn sớm về chín suối/ Trung Nghĩa đài không thẹn gặp người xưa
so với những vần thơ mà anh làm gần đây mà chúng tôi đọc được rải rác trên các tạp chí Văn Học, Làng Văn, Phổ Thông, Nhân Văn…dường như cái ‘ý chí’ và cái ‘ước mơ’ ‘phất phới ngọn cờ xưa’ của anh có bớt đi phần mãnh liệt. Thưa anh, xin được anh bao dung nếu như nhận xét chủ quan vừa rồi của chúng tôi không được đúng; bằng không, xin anh vui lòng cho độc giả biết cái gì nơi đời sống mới ở phần đất tạm dung đã làm anh cảm thấy, đôi lúc, nản lòng ?

LH: Dĩ nhiên tôi không phủ nhận những nhận xét của anh. Bởi chính tôi cũng đã từng thổ lộ:
… “và hãy nói giùm lửa đấu tranh/ trong lòng tôi chừ thật mong manh…”
Tuy nhiên, đối với tôi, ước mơ “phất ngọn cờ xưa” vẫn là niềm mơ ước tha thiết nhất trong cuộc đời còn lại của một người bất đắc dĩ phải ra đi. Và cái ý chí “rửa hận năm xưa chiếm lại thành”, vẫn là ý chí thao thức mãi trong lòng. Sống trên đất tạm dung quả thật có nhiều điều không như ý. Riêng về cuộc sống gia đình, tôi chuẩn bị tinh thần từ quê nhà nên cũng đã và đang bình tĩnh đón nhận. Có điều ở một vài lãnh vực rộng rãi hơn, đã vượt quá tin tưởng và hy vọng của mình nên nhiều khi không tránh khỏi những ngỡ ngàng dẫn đến buồn chán. Chắc anh thông cảm cho tôi đã tránh né phát biểu một cách cụ thể. Những bày tỏ chân thật thường hay bị hiểu nhầm. Hơn nữa, chúng ta, thật ra chẳng có thẩm quyền gì. Nếu may ra có được cái hân hạnh làm một người công dân yêu nước bình thường, tôi chỉ mong những người đã lợi dụng chúng ta, làm mất đi cái ý nghĩa cuộc chiến đấu với Cộng sản, sớm thức tỉnh. Và cộng đồng tỵ nạn chúng ta mãi mãi là một khối đoàn kết phát triển trên mọi lãnh vực có ích dẫn đến chiến thắng mai sau, thật gần.

TNT : Câu hỏi cuối cùng và cũng là câu hỏi chung cho mọi tác giả, sẽ lần lượt xuất hiện trên mục ‘Người Viết Và Tác Phẩm’ mà chúng tôi muốn thực hiện là:
Anh dự đoán ra sao về tương lai Việt ngữ trong vòng mười, mười lăm năm tới ?

LH : Hiện nay không ai phủ nhận sự lớn mạnh của báo chí Việt ngữ hải ngoại; bên cạnh đó cơ sở xuất bản sôi nổi, số lượng tác phẩm ra đời dồn dập đã nói lên quyết tâm của những người Việt có lòng nghĩ về tương lai tiếng nói dân tộc. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy như còn thiếu một cái gì. Sự đầu tư vào thế hệ con em hình như chưa đủ. Tôi vẫn tin, mười, mười lăm năm nữa con em chúng ta còn có thể nói được, nghe hiểu tiếng mẹ đẻ. Nhưng viết và đọc một cách thông thạo, có lẽ ngày một giảm dần. Tôi viết những dòng có thể lạc đề sau đây.
Tôi còn nhớ 4 câu thơ của một người đã quên tên: ‘Tiếng nước ngoài viết sai nên tha thứ / moi, toi, soi, nị, ngộ…cũng cho qua/ chứ viết sai tiếng mẹ đẻ nhà ta/là tội trọng ngang hàng như phản quốc…”
Có hơi quá chăng ? Dù sao tôi vẫn mong mỗi gia đình Việt tỵ nạn chúng ta là một lớp học tiếng nước nhà thiết thực, hữu hiệu nhất.

TNT : Thay mặt độc giả, chúng tôi xin cảm ơn anh.


*Hơi Thở Việt Nam, Sông Thu và Nhân Văn xuất bản bìa tranh Nghiêu Đề, Thái Tú Hạp trình bày.

2 bình luận »

  1. Kính anh Tiến,
    Anh viết rất nhiều, rất hay. Vổ tay. Mà anh có làm gì không, hay chỉ lý? Liên lạc với tôi, nếu anh cần thực tế.

    Bình luận bởi Nguyễn Hùng | 10/04/2016 | Trả lời

    • Tui OK anh Hùng à. Rất cảm ơnnhã ý của anh. Xin lỗi anh vì hồi âm muộn. Đến sáng nay 01/09/18 mới đọc được message này.
      tnt

      Bình luận bởi tnt | 09/01/2018 | Trả lời


Bình luận về bài viết này